Hai-Phong-Cang (1)

Phần lớn giao dịch thương mại quốc tế của Việt Nam hiện vẫn đang được thực hiện bằng USD. (Ảnh: Tàu MSC Makalu III cập Cảng Quốc tế Hải Phòng)

Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã và đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thanh toán thương mại và dự trữ ngoại hối.

Làn sóng phi đô la hoá tại châu Á

Tại châu Á, Trung Quốc dẫn đầu xu hướng phi đô la hóa với việc mở rộng hệ thống thanh toán xuyên biên giới CIPS, đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY) trong các hợp đồng thương mại song phương và đầu tư hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng triển khai cơ chế thanh toán bằng đồng rupee với Nga, Sri Lanka và một số nước Tây Á. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) khuyến khích thanh toán bằng nội tệ trong xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore đã ký kết thỏa thuận song phương nhằm khuyến khích sử dụng nội tệ trong thanh toán thương mại.

Theo TS. Hiroshi Watanabe, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Hợp tác Tài chính Quốc tế Nhật Bản (JBIC), phi đô la hoá ở châu Á là sự thích nghi tất yếu với sự thay đổi về cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu. Việc các nền kinh tế khu vực thiết lập thanh toán nội tệ là bước tiến tự nhiên để bảo vệ lợi ích quốc gia và ổn định tài chính.

Có nhiều yếu tố thúc đẩy làn sóng phi đô la hoá, nhưng nổi bật nhất là mối lo ngại về rủi ro từ việc phụ thuộc quá mức vào đồng tiền của một cường quốc duy nhất, nhất là rủi ro chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED giai đoạn 2022–2024 đã khiến USD tăng giá mạnh, làm trầm trọng thêm nghĩa vụ nợ nước ngoài của nhiều quốc gia đang phát triển.

Mặt khác, sau khi chiến sự Nga – Ukraine bùng nổ, hàng loạt tài sản ngoại hối bằng USD của Nga bị đóng băng sau khi quốc gia này bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT. Điều này đã làm dấy lên lo ngại với các quốc gia ngoài phương Tây về nguy cơ bị gạt khỏi hệ thống tài chính này nếu không tuân thủ trật tự địa chính trị hiện hành. Do đó, phi đô la hoá cũng là biện pháp phòng ngừa rủi ro mang tính chiến lược.

Mặc dù kịch bản USD nhanh chóng bị mất vị thế thống trị vẫn được đánh giá là không khả thi trong ngắn và trung hạn, nhưng chuyên gia kinh tế Barry Eichengreen nhận định, một xu hướng chuyển đổi dài hạn khỏi USD đang diễn ra, trong đó các ngân hàng trung ương tiếp tục đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối theo hướng giảm tỷ trọng USD.

Hàm ý với Việt Nam

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại lớn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt hơn 700 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần GDP. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch thương mại của Việt Nam hiện vẫn đang được thực hiện bằng USD, khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ biến động của đồng bạc xanh. Do đó, việc đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế được nhiều chuyên gia khuyến nghị.

Trên thực tế, việc đa dạng hoá các loại ngoại tệ sẽ giúp Việt Nam giảm rủi ro từ việc lệ thuộc quá nhiều vào một ngoại tệ. Đồng thời, có ý kiến cho rằng, nếu Việt Nam đa dạng hóa sang các đồng tiền như Euro, CNY, Yên Nhật hoặc đồng tiền nội khối ASEAN trong tương lai, dự trữ ngoại hối sẽ linh hoạt hơn, ít chịu rủi ro hệ thống từ USD.

Tuy nhiên, TS Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế (IESS) cho biết, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU vẫn chủ yếu sử dụng USD; đồng thời thực tế cho thấy đồng USD sẽ vẫn còn đóng vai trò quan trọng. Việc chuyển đổi sang đồng tiền khác có thể làm tăng rủi ro pháp lý và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam chịu ảnh hưởng trực diện từ quá trình phi đô la hoá. Bởi vì, Việt Nam không còn gắn chặt với đồng USD như trước đây, đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách điều chỉnh linh hoạt và độc lập, làm giảm phần nào phụ thuộc vào đồng USD.

Trong bối cảnh chính sách tài chính và thương mại của Mỹ còn nhiều bất định, đặc biệt là các chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống Trump, TS Bùi Ngọc Sơn khuyến nghị Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược ứng phó dài hạn với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; đồng thời tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu.

TS Bùi Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi này. Theo ông, cần thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, đầu tư vào hạ tầng công nghệ tài chính và phát triển các kênh thanh toán điện tử xuyên biên giới, cũng như xây dựng năng lực phân tích và phòng vệ rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp là những ưu tiên cần thiết.

Những cải cách này sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị khu vực và thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động, góp phần từng bước nâng cao vị thế đồng Việt Nam trong các giao dịch quốc tế.

Cẩm Anh