Nợ xấu tăng nhanh
Báo cáo tài chính quý 3 của hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu gia tăng nhanh chóng cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ.
Đơn cử như Vietcombank, trong 9 tháng đầu năm nay, nợ xấu của nhà băng này đã tăng thêm tới 2.081 tỷ đồng (tương đương tăng 35,9%) lên gần 7.885 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng mạnh từ mức 0,79% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 1% khi kết thúc quý 3 năm nay.
Tình hình cũng diễn ra tương tự tại các ngân hàng cổ phần. Chẳng hạn như nợ xấu của VPBank cũng tăng thêm 1.350 tỷ đồng trong cùng thời gian này lên 10.147 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng tương ứng từ 3,42% lên 3,65%...
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cũng thừa nhận thực tế nợ xấu tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng nhanh trở lại do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Theo đó, đại dịch này đã ảnh hưởng tới bức tranh nợ xấu của các nhà băng dưới 2 góc độ. Thứ nhất, dịch bệnh đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới doanh thu, thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng, đẩy nợ xấu tăng. Thứ hai, dịch bệnh cũng khiến tín dụng tăng thấp do cầu tín dụng yếu. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lại càng tăng nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, những con số thể hiện trong báo cáo tài chính của các ngân hàng vẫn chưa phản ảnh đúng thực chất bức tranh nợ xấu của các nhà băng hiện nay. Bởi vì, không ít các khoản nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, song vẫn được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Bởi thế, nếu không có Thông tư này, nợ xấu của các ngân hàng có thể còn tăng nhanh hơn.
"Thông tư 01 chỉ là giải pháp tình thế, có thể hãm lại tốc độ tăng của nợ xấu trong thời điểm hiện tại, nhưng sẽ đẩy nợ xấu về phía tương lai. Có nghĩa khi Thông tư 01 hết hiệu lực, nhiều khoản nợ hiện tại sẽ nhanh chóng trở thành nợ xấu", vị chuyên gia trên nói.
Gỡ nút thắt xử lý nợ xấu
Trong báo cáo cập nhật về ngành Ngân hàng vừa công bố mới đây, khối phân tích tại SSI Research đánh giá, nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm nay. SSI Research ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% lần lượt trong năm 2020 và 2021 (so với mức giảm 16,3% năm 2019).
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 vẫn còn khá nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo do con nợ không hợp tác. Bên cạnh đó, một cơ chế mà ngân hàng mong mỏi là Nghị quyết 42 với quy định cho phép ngân hàng áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc xử lý thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án rất hạn chế.
Đến ngày 30/6/2020, số tiền thu nợ từ các khoản được xử lý dự phòng rủi ro của Agribank mới chỉ đạt 2.897 tỷ đồng, thấp hơn 1.105 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng than thở, hiện quy trình đòi nợ của ngân hàng thường phải trải qua rất nhiều bước: khởi kiện dân sự, tòa xử và bàn giao tài sản cho ngân hàng, rồi ngân hàng mới có thể nhận tài sản để xử lý, thu hồi nợ... Khâu nào trong quy trình này cũng đều gặp khó khăn. Chẳng hạn tại Agribank , số vụ kiện dân sự mà ngân hàng này đang chờ tòa xử lên đến hơn 7.000 vụ. Đến ngày 30/6/2020, số tiền thu nợ từ các khoản được xử lý dự phòng rủi ro của Agribank mới chỉ đạt 2.897 tỷ đồng, thấp hơn 1.105 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thực tế đáng lo ngại nữa được TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chỉ ra, đó là nhiều khách hàng đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các TCTD, khiến cho quá trình xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn.
Trong bối cảnh nợ xấu cũ chưa được xử lý triệt để, nợ xấu mới lại có xu hướng tăng nhanh, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, đã đến lúc phải tính đến việc ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu ngân hàng để gỡ các nút thắt hiện nay, giúp cho tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn và triệt để hơn.
Trên thực tế, vấn đề luật hóa xử lý nợ xấu đã được lãnh đạo Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đề xuất từ lâu. Theo ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV VAMC, để giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, cần phải "luật hóa" Nghị quyết 42. "Một trong những lý do chính khiến việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 chưa có hiệu quả cao là do Nghị quyết chưa được luật hóa, nên các chế tài chưa rõ ràng. Nhiều quy định tại Nghị quyết khi triển khai phải dựa vào nhiều bộ luật, mà giá trị pháp lý thậm chí còn cao hơn cả Luật Các TCTD, nên rất khó cho VAMC và các ngân hàng khi triển khai. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, thời gian tới, nhất thiết phải luật hóa Nghị quyết 42, đưa ra chế tài và quy rõ nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương", ông Đông đề nghị.
Hà Anh
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp