Động thái này nhằm thực hiện Kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai chính sách phát triển nhiên liệu hàng không bền vững của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm thiểu tác động khí thải của ngành hàng không đối với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động triển khai các yêu cầu của CORSIA, bao gồm ban hành Thông tư quy định về quản lý nhiên liệu tiêu thụ, phát thải CO₂ từ máy bay dân dụng; thực hiện giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) khí thải CO₂ đối với các chuyến bay quốc tế giai đoạn 2019–2024, đồng thời định kỳ gửi dữ liệu cho ICAO.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tích cực nghiên cứu kinh nghiệm chính sách toàn cầu và khu vực — đặc biệt là của EU — để phối hợp với các bộ, ngành liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng các giải pháp cụ thể trình Nhà nước.
CORSIA được Đại hội đồng ICAO thông qua năm 2016 tại Canada, đặt mục tiêu trung hòa carbon của ngành hàng không quốc tế thông qua các cơ chế thị trường. Theo lộ trình, giai đoạn tự nguyện áp dụng cho các quốc gia từ năm 2021–2026, trước khi bước sang giai đoạn bắt buộc từ 2027–2035. Các quốc gia tham gia giai đoạn tự nguyện cần gửi thông báo trước ngày 30-6 của năm liền trước.
Việc Việt Nam tham gia từ năm 2026 được xem là bước tiến quan trọng, khẳng định nỗ lực hội nhập và trách nhiệm quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp các cam kết phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã đưa ra.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí mua tín chỉ carbon của ngành hàng không Việt Nam khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 1-1-2026 dự kiến dao động từ 5,6 triệu USD đến 37,5 triệu USD trong năm đầu tiên, tùy theo lượng phát thải thực tế và biến động giá tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế.
TH