Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đề nghị nhà lãnh đạo này xem xét các vấn đề "thực tế" trong các cuộc đàm phán với Nga.

Theo các nguồn tin của WSJ, ông Sullivan đã khuyên Tổng thống Zelensky nên cởi mở với ý tưởng đối thoại cùng Nga.

"Hai nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết cố vấn Mỹ cho rằng, nhóm đàm phán của chính quyền Tổng thống Zelensky nên suy nghĩ về các yêu cầu thực tế và ưu tiên trong các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc xem xét lại mục tiêu đã nêu là giành lại quyền kiểm soát Crimea", WSJ nhấn mạnh.

Các quan chức cấp cao của Mỹ dường như đang thúc đẩy Kiev xem xét các cuộc đàm phán hòa bình khi mùa đông khắc nghiệt đang ở ngay trước cửa nhà. Theo các nguồn tin, khi mùa đông đến, quân đội Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với một quân đội mạnh mẽ của Nga.

Ngoài vấn đề này, còn có những lo ngại về lạm phát do giá năng lượng và lương thực tăng cao. Đó là lý do Mỹ đã chần chừ hơn trong chiến lược viện trợ hàng tỷ USD vũ khí đến cho Ukraine.

Nhà Trắng và các đồng minh đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, nhưng các quan chức cấp cao của Washington đang bắt đầu công khai đặt câu hỏi về việc Kiev có thể giải phóng thêm bao nhiêu vùng lãnh thổ và với cái giá phải trả như thế nào.

Trong khi đó, ở châu Âu, hầu hết các nước thậm chí dường như không còn nhiều lạc quan về cơ hội giành chiến thắng của Ukraine.

"Chúng ta đều phải công nhận rằng chiến thắng quân sự, theo nghĩa chân thực nhất của từ này, có thể không đạt được bằng các giải pháp quân sự, vì vậy phải sử dụng các giải pháp khác", tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói.

Vị tướng này sau đó nói thêm rằng: "Việc Nga rút quân khỏi Kherson cũng mở ra một cơ hội, một cánh cửa cho các cuộc đàm phán hòa bình".

Báo WSJ tiếp tục dẫn lời một nhà ngoại giao Tây Âu cho biết: "Chúng tôi đang nói với người Ukraine rằng thời điểm thực hiện việc này (tiến hành các cuộc đàm phán) là tùy thuộc vào họ". Nhưng theo nhà ngoại giao này, "tốt nhất là hãy làm điều đó sớm hơn".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bình luận về khả năng đàm phán với Nga.

"Vẫn còn phải xem liệu Ukraine có sẵn sàng thỏa hiệp với Nga hay không", ông Biden nói tại Nhà Trắng và nhấn mạnh thêm: "Cả hai bên sẽ tự xem xét "vết thương" của mình để quyết định xem sẽ làm gì tiếp theo và liệu họ có thỏa hiệp hay không".

Mỹ đang bùng nổ nhiều tranh cãi về việc viện trợ quân sự cho Ukraine, với con số trị giá gần 19 tỷ USD, vượt đáng kể số tiền mà Liên minh châu Âu (EU) phân bổ.

Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine vô điều kiện.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là đặt Ukraine vào vị trí tốt nhất trên chiến trường để khi nào và nếu có cơ hội đàm phán ngoại giao, họ có được vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán", ông Sullivan nói, đồng thời lưu ý: "Mỹ không gây áp lực với Ukraine. Chúng tôi không buộc Ukraine phải hành động theo ý mình".

Thanh Thành
Theo Wall Street Journal