Lợi nhuận giảm thê thảm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của DIC, doanh thu thuần chỉ đạt 33,217 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế - 27,734 tỷ đồng, tương đương giảm 3.190% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty lý giải sự sụt giảm thê thảm trên là do tác động của đại dịch COVID-19, khiến tình hình kinh doanh các mặt hàng chính như clinker, thạch cao, sắt thép… gặp nhiều khó khăn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Liên tiếp giảm sàn, giá cổ phiếu DIC chỉ còn 1.190đ/cổ phiếu.

Ngoài ra, các chỉ số khác như: Doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt hơn 10 triệu đồng, trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng từ 17 tỷ đồng (Quý I/2019) lên 21 tỷ đồng; Chí phí lãi vay cũng tăng từ 16 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, cũng góp phần khiến lợi nhuận quý I của DIC giảm sâu, mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của DIC cũng thể hiện lợi nhuận sau thuế sụt giảm thê thảm. Theo đó, mặc dù doanh thu đạt 1.842 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm 66,177 tỷ đồng, tương đương với mức giảm lên tới 3.207% so với cùng kỳ.

Giải trình sự chênh lệch trên, ban lãnh đạo DIC cũng cho rằng, năm 2019 tình hình kinh doanh xuất khẩu clinker (mặt hàng chính) gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh mạnh từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, giá clinker giảm liên tục, hợp đồng xuất khẩu đã ký phải thực hiện nên doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ.

Ngoài ra, báo cáo tài chính năm 2019 còn thể hiện các khoản công nợ phải thu của khách hàng ngắn hạn có giá trị 302 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 200 tỷ đồng, phải thu tạm ứng 38 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 28 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 38 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn 2,6 tỷ đồng và phải trả khác ngắn hạn 17 tỷ đồng.

Đối với khoản đầu tư hợp tác với Công ty TNHH Phát triển công nghiệp trị giá 31 tỷ đồng theo hợp đồng năm 2014 đã hết thời hạn thực hiện, nhưng các bên không thực hiện theo nội dung cam kết.

Hủy niêm yết cổ phiếu

Cũng chính những điều này mà công ty kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến tại báo cáo tài chính năm 2019 với lý do tới thời điểm phát hành báo cáo tài chính, kiểm toán viên không nhận được thư xác nhận liên quan đến các khoản công nợ phải thu của khách hàng nêu trên.

Vì vậy, theo quy định của pháp luật, cổ phiếu DIC đã rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc. HoSE đã đề nghị DIC gửi công văn giải trình có xác nhận của đơn vị kiểm toán về nguyên nhân dẫn đến sự việc trên.

Ngày 9/7/2020, HoSE đã có quyết định số 368/QĐ-SGDHCM về việc hủy niêm yết cổ phiếu DIC từ ngày 10/8/2020. Theo đó, số lượng cổ phiếu bị hủy niêm yết là 26.585.840 cổ phiếu, tương đương với giá trị (theo mệnh giá) là 265.858.400.000 đồng.

Lý do hủy niêm yết là do đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất (năm 2019), thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định của Điểm H, Khoản 1, Điều 60 của Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Khoản 1.8, Điều 26 Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM.

Trên thị trường, cổ phiếu DIC đã có 5 phiên giảm sàn liên tiếp trong 6 phiên giao dịch gần đây với mức giảm tương đương 26,54%. Trong một tháng qua, cổ phiếu này đã giảm 34,62%. Hiện giá cổ phiếu DIC chốt phiên giao dịch ngày 27/7 chỉ đạt mức giá 1.190đ/cổ phiếu.

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, trước những thông tin bất lợi từ hoạt động kinh doanh của năm 2019 và quý I/2020, đặc biệt là quyết định hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE sẽ khiến DIC “chìm” sâu dưới đáy, và khó có khả năng hồi phục. Các nhà đầu tư sẽ không mạo hiểm “xuống tay” với cổ phiếu này, khi chỉ còn 10 phiên giao dịch trên sàn.

ĐÌNH ĐẠI
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp