Tên lửa đạn đạo liên lục địa trong cuộc duyệt binh vào ban đêm ở Bình Nhưỡng vào tháng 4 (Ảnh: KCNA).

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 3/7 cáo buộc: "Mỹ đã lộ rõ mục đích đằng sau các tuyên bố coi Triều Tiên là mối đe dọa, đó là nhằm đạt được ưu thế quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương". Triều Tiên từ lâu đã viện dẫn "sự thù địch của Mỹ" là lý do để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Bình luận trên được đưa ra sau khi các nước láng giềng của Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị thực hiện vụ thử hạt nhân sau 5 năm gián đoạn. Ngoài ra, năm nay Triều Tiên cũng thực hiện số vụ thử tên lửa với tần suất cao kỷ lục, động thái mà Mỹ và đồng minh coi là "khiêu khích". 

Cuộc gặp ba bên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng, việc xây dựng nền quốc phòng là cần thiết để Bình Nhưỡng có thể chủ động đối phó với tình hình an ninh ở bán đảo Triều Tiên sau khi những các lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên kế hoạch cho các cuộc tập trận quân sự chung 3 bên.

Trong cuộc họp gần đây với 2 đồng minh tại Đông Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông "quan ngại sâu sắc" về việc Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo và có dấu hiệu sắp thử hạt nhân. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có cùng quan điểm. Họ tuyên bố việc hợp tác tập trận 3 bên là quan trọng để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Đầu tháng 6, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã đồng ý nối lại các cuộc tập trận theo dõi và cảnh báo tên lửa kết hợp như một phần trong nỗ lực đối phó với các vụ thử vũ khí ngày càng leo thang của Triều Tiên.

Triều Tiên coi các cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu trong khu vực, đặc biệt là các cuộc tập trận với Hàn Quốc là một cuộc diễn tập nhằm chống lại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Washington và Seoul đã nhiều lần nói rằng họ không có ý định nhắm vào Triều Tiên. 

Triều Tiên cáo buộc Mỹ thổi phồng tin đồn về những lời đe dọa "nhằm tạo cớ để đạt được ưu thế quân sự đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả bán đảo Triều Tiên".

Các quan chức Mỹ cho biết, Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng và thúc giục nước này quay lại đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, Triều Tiên đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ, nói rằng họ sẽ tập trung vào việc tăng cường sức mạnh hạt nhân trừ khi Mỹ từ bỏ các chính sách thù địch đối với nước này.

Gần đây, Triều Tiên cáo buộc Mỹ có kế hoạch nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc bằng cách đạt được mục tiêu "quân sự hóa châu Âu" và hình thành một liên minh giống NATO ở châu Á. Bình Nhưỡng nói "các động thái quân sự liều lĩnh của Mỹ và các lực lượng đồng minh" có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, "ví dụ như một cuộc chiến hạt nhân đồng thời diễn ra ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương". 

Theo Guardian

Đặng Linh
Theo Dân trí