Giá dầu có tuần tăng trước cuộc họp OPEC+

Giá dầu diễn biến trái chiều song có tuần tăng thứ 4 liên tiếp trước cuộc họp của OPEC+ vào đầu tuần tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 27/11, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 38 US cent lên 48,18 USD/thùng và kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 46 US cent lên 48,25 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas WTI giảm 18 US cent xuống 45,53 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 7,2% và dầu WTI tăng 8%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga có xu hướng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu trong năm tới.

OPEC+ có kế hoạch sẽ nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 1/2021 tương đương khoảng 2% tiêu thụ toàn cầu, sau khi cắt giảm nguồn cung ở mức kỷ lục trong năm nay. Các Bộ trưởng OPEC+ sẽ họp từ thứ hai (30/11/2020).

Giá khí tự nhiên giảm 4%

Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 4% do dự báo thời tiết ấm hơn bình thường và sản lượng khí tự nhiên tăng vững.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn New York giảm 11,8 US cent tương đương 4% xuống 2,843 USD/mmBTU.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá khí tự nhiên tăng hơn 7% - tuần tăng mạnh nhất trong 4 tuần.

Giá vàng thấp nhất gần 5 tháng

Giá vàng giảm 2% xuống mức thấp nhất gần 5 tháng và dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce, do gia tăng lạc quan về vắc xin virus corona thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế và sự chuyển đổi nhanh chóng của Nhà Trắng đẩy thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,3% xuống 1.787,46 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.773,1 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 6/7/2020. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm khoảng 4,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 25/9/2020. Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 1,3% xuống 1.781,9 USD/ounce. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá vàng tăng hơn 17%.

Giá vàng chịu áp lực giảm bởi thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục, do lạc quan về vắc xin virus corona và thương mại toàn cầu ổn định hơn dưới thời chính quyền Joe Biden Mỹ.

Giá đồng cao nhất 7,5 năm, chì và nickel cao nhất 1 năm, kẽm cao nhất 1,5 năm

Giá đồng tăng lên mức cao nhất 7,5 năm do hoạt động thúc đẩy mua vào, khi nền kinh tế hồi phục được thúc đẩy bởi vắc xin Covid-19.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,5% lên 7.510,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2013. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng 3,2% và tính đến nay giá đồng tăng 72% kể từ tháng 3/2020 do nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh và tồn trữ giảm.

Tổng tồn trữ đồng tại London, Thượng Hải, New Yor giảm xuống 692.279 tấn - thấp nhất kể từ ngày 12/10/2020, do tồn trữ tại Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất 6 năm (92.912 tấn), Refinitiv Eikon cho biết.

Đồng thời, giá chì và nickel trên sàn London đạt mức cao nhất 1 năm, giá chì tăng 3,8% lên 2.111,5 USD/tấn – mức tăng mạnh nhất trong 8 tháng và giá nickel tăng 1,2% lên 16.460 USD/tấn.

Giá kẽm trên sàn London tăng 1,4% lên 2.799 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.809 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Giá sản phẩm thép tăng

Giá sản phẩm thép tại Trung Quốc tăng, với quặng sắt tăng tuần thứ 3 liên tiếp và giá thép cuộn cán nóng tăng tuần thứ 6 liên tiếp, do tồn trữ thép giảm thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu.

Tồn trữ 5 sản phẩm thép chủ yếu bao gồm thép cây, thép dây, thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và thép tấm trung bình giảm 3,3% trong tuần tính đến ngày 25/11/2020 xuống 15 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1,5% lên 902 CNY (137,07 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 1,6%.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 4.151 CNY/tấn và tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Giá thép cây tăng 1,2% lên 3.924 CNY/tấn và thép không gỉ tăng 1,1% lên 13.355 CNY/tấn.

Giá cao su tăng

Giá cao su trên sàn Osaka tăng và có tuần tăng đầu tiên trong 2 tuần, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng sau số liệu chính thức cho thấy lợi nhuận của ngành công nghiệp tại Trung Quốc tăng, khi nước này tiếp tục hồi phục sau đại dịch.

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Osaka tăng 9,7 JPY tương đương 4,1% lên 245,7 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 8,3%.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 4% lên 15.230 CNY/tấn.

Lợi nhuận của các công ty công nghiệp tại Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – trong tháng 10/2020 tăng 28,2% so với tháng 10/2019. Điều này cho thấy, sự phục hồi vững chắc sau khi lĩnh vực này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng sức khỏe.

Giá cà phê diễn biến trái chiều

Giá cà phê arabica tăng mạnh, được thúc đẩy bởi lo ngại thời tiết khô tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York tăng 5,8 US cent tương đương 4,95% lên 1,2295 USD/lb, trong tuần trước giá cà phê tăng lên 1,244 USD/lb – cao nhất kể từ giữa tháng 9/2020.

Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London giảm 1 USD tương đương 0,1% xuống 1.410 USD/tấn.

Vụ thu hoạch tại nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu – Việt Nam – tiếp tục chậm lại và dự kiến sẽ có mưa lớn vào cuối tuần có thể làm chậm tiến độ vụ thu hoạch.

Giá đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,17 US cent tương đương 1,15% lên 14,94 US cent/lb.

Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 1,2 USD tương đương 0,3% lên 405,3 USD/tấn.

Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều tăng

Giá đậu tương tại Chicago tăng, do thời tiết khô tại Nam Mỹ đe dọa năng suất cây trồng tại Brazil và Argentin, trong khi nhu cầu xuất khẩu ngô và lúa mì tăng mạnh

Trên sàn Chicagao, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 7-3/4 US cent lên 11,91-3/4 USD/bushel, trong phiên ngày 23/11/2020 giá đậu tương đạt 12 USD/bushel – cao nhất 4 năm. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 10-3/4 US cent và có tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 6-1/4 US cent lên 4,33-3/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 9-1/2 US cent lên 6,06 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 5-3/4 US cent và giá lúa mì tăng 6 US cent, cả hai đều tăng tuần thứ 2 liên tiếp.

Giá dầu cọ tuần giảm thứ 2 liên tiếp

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm và có tuần giảm 2%, do lo ngại việc cắt giảm thuế nhập khẩu của Ấn Độ đối với dầu cọ thô không đủ để kích thích nhu cầu trong ngắn hạn.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 9 ringgit tương đương 0,3% xuống 3.218 ringgit/tấn, trước đó trong phiên giá dầu cọ tăng 2,3% do thông tin Ấn Độ - nước mua dầu thực vật lớn nhất thế giới – giảm thuế nhập khẩu đối với dầu cọ thô xuống 27,5% từ mức 37,5%. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/11

Theo Trí thức trẻ
Theo Trí thức trẻ