(Ảnh: Reuters)  

Báo cáo về "làn sóng đối địch" cao nhất 30 năm nhằm vào Trung Quốc

Các nguồn tin ẩn danh nói với Reuters, bản báo cáo được Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) đệ trình lên các lãnh đạo cao nhất đất nước - gồm chủ tịch Tập Cận Bình - vào đầu tháng trước. Báo cáo kết luận tâm lý đối địch với Trung Quốc trên toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ sau biến động chính trị tại Bắc Kinh năm 1989.

Hệ quả là Trung Quốc đang đối diện với một làn sóng bài xích do Mỹ dẫn đầu sau đại dịch Covid-19, và nước này cần sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất là đối đầu vũ trang giữa hai cường quốc.

Bản báo cáo được cho là do Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc (CICIR) thực - cơ quan có liên hệ với Bộ an ninh quốc gia - thực hiện. Reuters không nắm được cụ thể văn bản này.

Văn phòng phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết họ "không có thông tin liên quan" khi được hỏi về báo cáo nội bộ kể trên.

Reuters không thể xác định mức độ nghiêm trọng của cảnh báo được đưa ra trong báo cáo phản ánh lập trường của ban lãnh đạo Trung Quốc ở mức độ nào, và có thể tác động đến chính sách của nước này đến đâu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một báo cáo như vậy cho thấy Trung Quốc nhìn nhận nghiêm túc về mối đe dọa từ làn sóng đối địch có thể gây tổn hại cho những đầu tư chiến lược của nước này ở nước ngoài.

Quan hệ Mỹ-Trung trong những tuần vừa qua được đánh giá là ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với lòng tin bị xói mòn và bất đồng trong nhiều vấn đề - từ thương mại đến chính sách về công nghệ, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, tình hình biển Đông, và mới nhất là cáo buộc từ chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Bắc Kinh che đậy thông tin về dịch Covid-19, cũng như giả thuyết virus corona mới (SARS-Cov-2) có liên hệ với một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Theo Reuters, ông Trump được cho là đang gặp nhiều khó khăn hơn trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống, giữa bối cảnh Covid-19 tước đi hơn 69.000 sinh mạng Mỹ và làm tổn hại nghiêm trọng nền kinh tế.

(Ảnh: Reuters)  

Sáng kiến "Vành đai, Con đường" có thể chịu tổn thất

Ông chủ Nhà Trắng đã gia tăng chỉ trích Bắc Kinh trong vài tuần qua và đe dọa áp thuế quan mới nhằm vào Trung Quốc. Chính quyền của ông cũng cân nhắc các biện pháp trả đũa Bắc Kinh liên quan đến Covid-19.

Cũng theo các nguồn tin của Reuters, báo cáo nội bộ hồi tháng trước còn kết luận Washington nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc như một đe dọa về kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời là thách thức đối với phương Tây. Báo cáo tin rằng Mỹ đã đặt mục tiêu làm suy yếu lòng tin của công chúng Trung Quốc.

Phản hồi câu hỏi của Reuters, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng giới chức Trung Quốc có "trách nhiệm đặc biệt" phải thông tin cho người dân trong nước và thế giới về mối đe dọa do SARS-Cov-2 gây ra, "bởi họ là những người đầu tiên biết được điều đó".

Báo cáo của MSS cũng được mô tả là đã cảnh báo tâm lý đối địch Trung Quốc do đại dịch Covid-19 đem lại có thể châm ngòi cho những phản ứng nhằm vào các dự án đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường. Ngoài ra, Washington có thể tăng cường ủng hộ kinh tế và quân sự cho các đồng minh khu vực nhằm khiến tình hình ở châu Á thêm phức tạp.

Trong thông cáo của mình, Bộ ngoại giao Trung Quốc kêu gọi hợp tác, với khẳng định "sự phát triển tốt đẹp và ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung "phục vụ cho lợi ích của cả hai nước và cộng đồng quốc tế".

"Bất kỳ ngôn từ hay hành động nào tham gia vào các thao túng chính trị hoặc kỳ thị đội lốt đại dịch - bao gồm tranh thủ cơ hội để gieo rắc bất hòa giữa các nước - là không mang tính xây dựng đối với công cuộc hợp tác quốc tế chống lại đại dịch."

Cho đến nay, Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả cáo buộc từ phía Mỹ liên quan đến việc che đậy thông tin. Nước này đã kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh trong nước, và hiện đang nỗ lực hướng tới vị thế dẫn dắt trong cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19, thông qua các gói viện trợ, cung ứng vật tư y tế, cử đội ngũ chuyên gia đến nhiều nước.

Theo Tổ Quốc