BIDV thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Hàm Rồng (Công ty Hàm Rồng) giá trị hơn 232 tỷ đồng, tính đến ngày 31/8/2019. Trong đó, dự nợ gốc là 80 tỷ đồng, lãi là 152 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 88/10 khu phố Đông Nhi, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương. Diện tích khu đất là 9.443,5m2, diện tích sàn là 6.581m2. Giá chào bán là hơn 120 tỷ đồng, thấp hơn nửa giá so với giá trị khoản nợ. Năm 2019, BIDV từng 2 lần rao bán khoản nợ này nhưng không thành công. Tổ chức vay vốn, Công ty Hàm Rồng được cho là có liên quan đến vụ án tham ô tài sản ở Công ty Cho thuê tài chính ALCII của người sáng lập ông Vũ Quốc Hảo.

Trước đó, BIDV cũng rao bán lần thứ 5, khoản nợ của của CTCP Nhà Hưng Ngân với tổng giá trị gần 564 tỷ đồng, gồm 372 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi vay gần 191,8 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bằng 3 bất động sản và 2 tài sản hình thành từ vốn vay là dự án bất động sản. Giá chào bán là 395,8 tỷ đồng, thấp hơn so với các lần trước đó.

Nhiều khoản nợ được BIDV rao bán nhiều lần. Ảnh: Bảo Linh.

Nhắc đến các khoản nợ được rao bán nhiều lần của BIDV không thể bỏ qua “món vay” của Công ty Thuận Thảo. Ngân hàng này từng rao bán 12 lần các tài sản đảm bảo với giá chào bán liên tục giảm trăm tỷ đồng qua mỗi đợt. Tài sản đấu giá gồm 3 cấu phần. Thứ nhất là khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và tài sản khác gắn liền với đất của Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm. Thứ hai là Khu Trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo và Khu mở rộng Trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo (Khu Land).

Không riêng BIDV, VietinBank năm qua cũng liên tục thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo, khoản nợ nhiều lần. Gần nhất, ngân hàng đấu giá lần thứ 16 tài sản của CTCP TMXD Vận tải Anh Đạt với giá khởi điểm 143 triệu đồng gồm tài sản là xe ôtô. Ngân hàng cũng thông báo bán khoản nợ 104 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh (lần 4) với giá khởi điểm 75 tỷ đồng, hay tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Kim Kim Dung với giá 36 tỷ đồng.

Nhiều công ty khác cũng có tên trong danh sách bán nợ của ngân hàng như như CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình, giá trị 161 tỷ đồng gồm 161,36 tỷ đồng gốc và gần 26,3 tỷ đồng tiền lãi; nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt để xử lý, với tổng dư nợ hơn 226,3 tỷ đồng…

Tại Vietcombank, ngân hàng này cũng 4 lần thông báo bán nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn với giá khởi điểm 28 tỷ đồng; hay 7 lần rao bán tài sản đảm bảo nhà máy VinaXuki tại Thanh Hóa với giá khởi điểm 28,2 tỷ đồng; các bất động sản tại An Giang với giá khởi điểm hơn 189 tỷ đồng.

Một trong nhiều bất động sản được Sacombank rao bán thời gian qua.

Sacombank cũng có nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản đang được rao bán giá trăm tỷ từ lâu. Ngân hàng này đâng rao bán khu đất tại dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 thửa đất khác với giá 711 tỷ đồng, 15 quyền sử dụng đất tại phường Ngãi Thắng, xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương với 448,5 tỷ đồng và thửa đất khác tại huyện Bình Chánh có giá 397,5 tỷ đồng… Ngoài ra, ngân hàng này còn nhiều bất động sản là tài sản đảm bảo khác giá trăm tỷ được “treo” bán từ lâu.

Tìm hướng xử lý nợ xấu

Trong năm tới, chuyên gia nhận định nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề cần lưu tâm của các ngân hàng. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng Covid-19 khiến cho nợ xấu của ngành ngân hàng tăng. Hệ quả này đến từ yếu tố khách quan, không chỉ với năm nay, năm 2021 kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi. Theo ông Lực, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 ước tính sẽ khoảng 4,5%, con số này của năm 2021 có thể tăng lên 5-6%. Trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2021.

Mặt khác, tìm các phương án đẩy nhanh xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản đảm bảo cũng là hướng đi cần nghiên cứu. Thành lập sàn giao dịch mua bán nợ xấu là một trong những ý kiến được các chuyên gia khuyến nghị.

Trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước muốn VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ giai đoạn 2021-2025. Song song, đơn vị này cũng cần tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC) và các TCTD nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.

VAMC được giao thành lập sàn giao dịch nợ xấu. Ảnh: VAMC.

Theo Phó Giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam, cùng với việc xây dựng Sàn mua bán nợ, các cơ quan nhà nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là xu hướng tất yếu trong hội nhập. VAMC làm đầu mối cũng là định hướng đúng. Tuy nhiên, cùng với việc tạo lập khung pháp lý cho thị trường ra đời, vấn đề cốt lõi là phải tạo điều kiện để nhiều đối tượng, thành phần cùng tham gia.

Chuyên gia cũng kiến nghị, hiện nay mỗi khoản nợ ở Việt Nam có cách thức xử lý khác nhau, tùy khẩu vị của nhà đầu tư như nợ của doanh nghiệp bất động sản, nợ của công ty xuất khẩu, thủy sản, nông nghiệp hay nợ là nhà máy, xưởng sản xuất, cổ phần - cổ phiếu... Nếu tất cả cùng được đưa lên sàn có thể không hấp thụ hoặc không hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, những khoản nợ có tài sản thế chấp là bất động sản - vốn có thể đánh giá được về giá trị, pháp lý, thanh khoản – có thể được đưa lên sàn trước. Sau khi sàn đã hoạt động hoàn chỉnh, các danh mục nợ ở nhiều lĩnh vực khác sẽ được xây dựng thêm.

Trâm Anh
Theo NDH