Trung Quốc vẫn đang tiếp tục quá trình tiêm vắc xin Covid-19, tổng số lượng người được tiêm vắc xin hiện đã lên ít nhất 350.000 dù rằng các loại vắc xin vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, theo tin từ Nikkei.

TIÊM VẮC XIN CHO NGƯỜI CÓ NHU CẦU

Trung Quốc đang tiêm vắc xin Covid-19 cho những ai cần nó khẩn cấp để đi ra nước ngoài làm việc hoặc đi học. Dù rằng cho đến nay, những người được tiêm vắc xin Covid-19 chưa gặp phải phản ứng phụ nào đáng kể, những lo lắng về an toàn vẫn còn nhiều.

Tại Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh, viện nghiên cứu trực thuộc công ty dược phẩm nhà nước Sinopharm những ngày này, người ta nhìn thấy hàng dài người chờ tiêm vắc xin. Cứ mỗi 3 tiếng buổi sáng và buổi tối hàng ngày, quầy tiêm vắc xin được mở cho những người có nhu cầu. Theo số liệu công bố, ước tính có khoảng 1.000 người được tiêm vắc xin Covid-19 mỗi ngày.

Nhân viên một công ty nhà nước Trung Quốc chuẩn bị có chuyến đi công tác đến Tây Phi cho biết: “Việc tiêm vắc xin Covid-19 cũng bình thường như tiêm các loại thuốc khác, tôi chẳng cảm thấy gì khác biệt cả”. Một người phụ nữ khác chuẩn bị đến Pakistan làm việc cũng đã đến đây đăng ký tiêm vắc xin, cô chia sẻ rằng sau khi tiêm cô thấy tay mình hơi đau, tuy nhiên cũng chẳng có tác dụng phụ nào cả.

Vắc xin Covid-19 này cần phải tiêm 2 liều. Theo các tài liệu nội bộ Sinopharm, việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giúp bảo vệ người tiêm khỏi Covid-19 trong vòng từ 1 đến 3 năm.

Giá cả cụ thể của vắc xin loại này hiện chưa được công bố rõ ràng, tuy nhiên chủ tịch của Sinopharm từng nói rằng vắc xin Covid-19 2 liều này có giá khoảng 1.000 nhân dân tệ, tức khoảng 145USD. Với sinh viên đi học nước ngoài, vắc xin được cung cấp miễn phí.

Cũng đã có những trường hợp doanh nghiệp nhà nước chấp nhận chi trả chi phí tiêm vắc xin cho người lao động làm việc tại những nước mà Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển sáng kiến Vành đai & Con đường. Nhiều nhân viên ngoại giao và người làm việc trong ngành y tế cũng được tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, nhiều nước hiện vẫn không chấp nhận có chế độ đối xử đặc biệt với người đã tiêm vắc xin Covid-19, ví dụ như miễn cách ly 14 ngày. Tuy nhiên ngay cả như vậy, việc tiêm vắc xin vẫn phổ biến.

Theo một điều hành cấp cao của Sinopharm, tổng số lượng người được tiêm khẩn cấp cho đến nay đã đạt đến con số 350.000.

Luật của Trung Quốc cho phép tiêm vắc xin trên diện rộng kể cả với những loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ Trung Quốc chính thức chấp thuận cho tiêm vắc xin khẩn cấp vào ngày 22/7/2020.

TRUNG QUỐC VÀ "NGOẠI GIAO VẮC XIN"

Các điểm sản xuất vắc xin tại Trung Quốc hiện đang hoạt động với công suất cực kỳ cao. Công ty phát triển vắc xin Sinovac Biotech đã hoàn thành gấp rút việc xây dựng nhà máy mới nhất trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, theo chia sẻ của CEO Sinovac Biotech. Sinovac đã cung cấp hàng chục nghìn liều vắc xin khẩn cấp cho chính phủ.

Vắc xin của Sinopharm và Sinovac hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2, dự kiến cả 2 loại vắc xin của các doanh nghiệp này sẽ được chính phủ cấp phép vào cuối năm nay.

Theo công bố của Sinovac, chỉ khoảng từ 1% đến 3% người tiêm vắc xin có phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin. Khoảng từ 2% đến 8% trải qua tình trạng mệt mỏi, 10% cho biết bị đau. Dựa trên các con số thống kê nói trên, công ty cho biết hiện không phát hiện vấn đề gì tồi tệ với vắc xin Covid-19 mà công ty đang phát triển.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc là một trong những nước đã chấp thuận chương trình tiêm vắc xin khẩn cấp. Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đã tham gia những sáng kiến tương tự.

Mỹ cũng đang tính tiêm vắc xin khẩn cấp trước khi thử nghiệm lâm sàng kết thúc. Tuy nhiên 9 nhà phát triển vắc xin trong đó có AstraZeneca và Pfizer đã ra tuyên bố chung vào ngày 8/9/2020 đã khẳng định ưu tiên hàng đầu với sự an toàn của người sử dụng.

Bắc Kinh đã cam kết ưu tiên cho các nước đang phát triển tiếp cận với vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Đã có nhiều chuyên gia nói về chính sách “ngoại giao” vắc xin để nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo BizLIVE