Nhà đầu tư ngoại nào đã bán tháo cổ phiếu SAB? - Ảnh 1

Trong phiên giao dịch ngày 15/10, khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu SAB với tổng giá trị giao dịch lên tới 57,5 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 14/10, cổ phiếu SAB là một trong những cái tên giao dịch nổi bật trên sàn khi xuất hiện giao dịch thỏa thuận 26,37 triệu cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Mức giá thỏa thuận SAB là 184.000 đồng/cp tương ứng tổng giá trị giao dịch 4.852 tỷ đồng. Có nhiều lời đồn đoán, song bên bán có thể là Heineken khi "đại gia" ngành bia này đánh tiếng muốn bán 25,2 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 184.000 đồng/cp.

Năm 2019, nhóm cổ đông Heineken đã bán ra xấp xỉ 5,2 triệu cổ phiếu SAB, giảm lượng sở hữu xuống còn 27,68 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,32% và không còn là cổ đông lớn tại SAB. Mức giá mà Heineken bán ra vào thời điểm đó lên tới 234.400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 1.219 tỷ đồng. Như vậy sau 2 lần bán cổ phần SAB, ước tính Heineken đã thu về khoảng 6.000 tỷ đồng.

Heineken được biết tới là cổ đông lớn của SAB từ khi doanh nghiệp này tiến hành IPO năm 2008. "Đại gia" bia đến từ Hà Lan này cũng từng nhiều lần đánh tiếng trở thành cổ đông chiến lược của SAB khi Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

SAB vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu giảm 22% xuống còn 7.185 tỷ đồng, giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp thu về hơn 2.207 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay tăng mạnh 176%. Khấu trừ các chi phí khác, SAB thu về lợi nhuận sau thuế 1.216 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sau 6 tháng đầu năm 2020, SAB ghi nhận doanh thu 12.124 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.933 tỷ, lần lượt giảm 34,5% và 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Lợi nhuận ròng hàng quý của SAB

Được biết, năm 2020 SAB đặt kế hoạch kinh doanh khá dè dặt với doanh thu giảm 37% về 23.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 39% về 3.252 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây của SAB.

Theo Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), dịch COVID-19 cộng với Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như hai gọng kìm khiến cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế của SAB nói riêng và ngành bia nói chung ngày càng gặp khó khăn. Điều này khiến SAB rất chật vật trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020. Trong đó, SAB nằm trong danh sách chuyển giao từ Bộ Công Thương về SCIC trước ngày 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại SAB. Mới đây, Bộ Công thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại SAB về SCIC. Theo biên bản bàn giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tại SAB chuyển giao về SCIC 12.308.765.470.000 đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của SAB. Số cổ phần Nhà nước nắm giữ là 230.876.547 cổ phần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/10, cổ phiếu SAB còn 190.000 đồng/cp, như vậy cổ phiếu này đã giảm gần 1/2 thị giá kể từ khi tỷ phú Thái trở thành nhà đầu tư chiến lược của SAB. Nhiều khả năng cổ phiếu SAB sẽ còn tích lũy, điều chỉnh trong thời gian tới.

SAB Sabeco
Theo Diên đàn Doanh nghiệp