Cuộc đua phân cấp

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, 94% ngân hàng thương mại bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 59% ngân hàng thương mại bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Không thể phủ nhận rằng số hóa trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang trở thành một xu hướng bắt buộc mà không ngân hàng nào có thể bỏ qua được. Lý do chính là vì khách hàng đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về tốc độ, sự tiện lợi, tiện ích mở rộng và họ chỉ thích giao dịch qua ngân hàng số.

Theo TS. Cấn Văn Lực, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng có thể chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn tìm hiểu và số hóa một số quy trình sản phẩm dịch vụ; giai đoạn 2 là ý tưởng ngân hàng số chính thức, mức độ số hóa cao hơn, có thể lên đến 60-70% các hoạt động ngân hàng được số hóa. Giai đoạn thứ 3 là số hóa hoàn toàn, tức một số ngân hàng sẽ thành lập riêng một ngân hàng số hoàn toàn độc lập. 

Hiện tại, phần lớn các ngân hàng thương mại Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình, ứng dụng trực tiếp vào các giải pháp cho khách hàng. Để chuyển sang những giai đoạn cao hơn, đòi hỏi ngân hàng phải có chiến lược chuyển đổi số rõ ràng và đi kèm với đó là sự chuyển đổi tư duy của toàn bộ thành viên ngân hàng từ truyền thống sang tư duy một ngân hàng số.

Cho đến nay, những ngân hàng trong nước đã chuyển sang giai đoạn 2 của chuyển đổi số là không nhiều. Có thể kể đến một số kết quả phát triển ngân hàng số tại Việt Nam như Vietcombank, BIDV, MB, Techcombank, VPBank và TPBank. Trong đó, ngân hàng có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, quyết liệt nhất và được coi là ví dụ điển hình nhất có thể kể đến là TPBank.

Số hóa phải tác động vào lõi

Từ một ngân hàng nằm trong danh sách tái cơ cấu, chỉ sau 8 năm TPBank đã nhanh chóng gia nhập nhóm các ngân hàng tư nhân có quy mô lớn trên cả nước. Đặc biệt hơn, đây được coi là một trong những ngân hàng chuyển đổi số thành công nhất hiện tại, với hệ thống ngân hàng số tự động LiveBank hoạt động như những chi nhánh truyền thống trên toàn quốc. Đi kèm với đó là một ứng dụng ngân hàng di động đang dẫn đầu danh sách các ứng dụng tài chính được tải nhiều nhất Việt Nam những ngày này.

Khác với nhiều ngân hàng chỉ thực hiện chuyển đổi số ở những dịch vụ và kênh giao tiếp cho khách hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết quá trình chuyển đổi số ở TPBank bắt đầu thay đổi từ nền tảng công nghệ, các quy trình vận hành nằm sâu bên trong nhằm hướng tới một chuẩn mực ngân hàng số đúng nghĩa, chứ không chỉ ở những sản phẩm số hóa khách hàng sử dụng trực tiếp.

"Các ngân hàng đều nhận thấy phải theo con đường số hóa, nhưng chúng tôi quyết liệt hơn, triệt để hơn. Để thực sự chuyển đổi số, một ngân hàng không chỉ tác động vào bề mặt hay tạo ra các ứng dụng mới, mà phải tác động vào lõi," ông Hưng cho biết.

"Đó là những phần khách hàng không nhận thấy, nhưng tác động tới mọi mặt quy trình hoạt động của nhà băng," ông nói tiếp.

Để đạt được điều đó, TPBank đã hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai các dự án  nền tảng số đa kênh an toàn, hiệu quả và bền vững, có thể linh hoạt về quy mô triển khai nhằm phù hợp với định hướng phát triển và mở rộng của ngân hàng trong tương lai. Với nền tảng đó, TPBank chỉ mất 9 tháng để cải tiến thành công hệ thống ngân hàng di động và ngân hàng điện tử từ nền tảng công nghệ được xây dựng từ thập kỷ trước.

Hơn nữa, ưu điểm việc số hóa từ lõi của TPBank là đã tự động hóa được gần như toàn bộ các quy trình đằng sau. Những quy trình được tự động hóa với sự tham gia của các robot, chatbot giúp TPBank loại bỏ được rất nhiều các công việc thủ công cũng như tiết kiệm chi phí.

Như trước đây, ở các bộ phận thẩm định, phê duyệt hoặc kiểm soát sau vay, các nhân viên phải làm các công việc thủ công, từ đọc hồ sơ, rà soát báo cáo tới so sánh số liệu. Còn bây giờ, tại TPBank, gần như mọi công đoạn này do robot đảm nhiệm, với năng suất cao hơn, chính xác hơn.

Ông Hưng cho biết ở TPBank có quy định mọi đơn vị phải tự xác định xem trong đơn vị mình có gì có thể số hóa được, cái gì ứng dụng được robot thì phải sử dụng robot. "Đến nay, chúng tôi tự tin khi có thể nói không có ngân hàng nào có cách làm giống TPBank, vì để có thể biến các đơn vị bảo thủ nhất có thể tự đưa ra đầu bài để triển khai số hóa là cả một quá trình," ông nói.

Nhờ đó, dù có chưa tới 90 chi nhánh trên toàn quốc, hơn 5.000 nhân viên, nhưng TPBank lại đang phục vụ tới hơn 3,3 triệu khách hàng.

Với thành công như vậy, ông Hưng chia sẻ quá trình chuyển đổi số ở TPBank có thể coi như đã hoàn tất. Ở thời điểm hiện tại, ngân hàng có 12 năm tuổi này bắt đầu bước sang giai đoạn đổi mới số, hướng tới việc trở thành một ngân hàng số toàn diện ở tất cả các bước nhằm mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng hơn.

Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế