Kế hoạch của TP.HCM đặt ra đến năm 2025 là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng 65% nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng đây là mục tiêu khá cao vì doanh nghiệp chỉ đủ khả năng cung ứng các đơn hàng lẻ, quy mô nhỏ. Thiếu cụm, khu công nghiệp hỗ trợ để liên kết doanh nghiệp trở thành rào cản lớn.

Cụm, khu công nghiệp hỗ trợ tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng

Hàng chục năm nay, một doanh nghiệp cơ khí vẫn phải sản xuất trong khu dân cư, muốn mở rộng sản xuất cũng không được. Theo doanh nghiệp, đây là một trong những trở ngại lớn nhất để tiếp cận gói hỗ trợ của TP.HCM.

Vì cơ sở sản xuất xây dựng trong khu dân cư, tận dụng hạ tầng có sẵn, lại không theo quy chuẩn nào, nên dẫn đến thiếu an toàn trong sản xuất.

Các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, có lợi thế thu hút các FDI lớn, thuận lợi để kết nối. Thêm vào đó, khu công nghiệp hỗ trợ sẽ giải quyết bài toán đầu tư chiều sâu và chuyên môn hóa cao.

Kế hoạch của TP.HCM đặt ra đến năm 2025 là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng 65% nhu cầu nội địa. (Ảnh minh họa: Dân trí)

"Trong khu công nghiệp, tính tương tác sẽ nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Lúc này, vấn đề đầu tư của doanh nghiệp sẽ có chiều sâu hơn, người ta không cần phải đầu tư quá nhiều máy móc, thiết bị cho các công đoạn khác nhau. Khi đó, tính chuyên môn hóa sẽ dễ đạt được hơn", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, nhận định.

Phát triển cụm, khu công nghiệp hỗ trợ được các chuyên gia nhìn nhận là 1 trong 5 giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành. Bởi khi doanh nghiệp hình thành cụm sản xuất, chi phí logistics và giá thành sản phẩm sẽ giảm, được xem là tiền đề để tham gia các chuỗi cung ứng FDI.

Giải bài toán phát triển khu, cụm công nghiệp hỗ trợ

Thực tế nhiều năm trước, TP.HCM đã quy hoạch 3 khu vực, để ưu tiên tiếp nhận các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: KCN Hiệp Phước Giai đoạn 2 với 200ha; KCN Lê Minh Xuân 3 là 100 ha; Khu Cơ khí ô tô 60ha.

Doanh nghiệp có nhu cầu, địa phương có quy hoạch nhưng đáng tiếc hiệu quả không như kỳ vọng.

Cách đây nhiều năm, việc xây dựng KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 với tổng diện tích 200ha đã tính đến hình thành cụm khu công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ 1 có diện tích 80ha, hướng đến ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM như: cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su - chất dẻo… Tuy nhiên, kết quả hiện không khả quan khi xung quanh chỉ là những bãi đất trống.

Vướng mắc pháp lý là nguyên nhân đầu tiên được Ban Quản lý Khu Chế xuất và Công nghiệp TP.HCM (HEPZA) lý giải. Chính vì điều này nên giá thuê đất của nhà nước với công ty hạ tầng cũng chưa được xác định.

Phát triển cụm, khu công nghiệp hỗ trợ được các chuyên gia nhìn nhận là 1 trong 5 giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Thêm vào đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc rất nhỏ nên ban đầu khi quy hoạch tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã hình thành những lô đất từ 750 - 1.500m2. Đây là trở thành trở ngại để thu hút doanh nghiệp.

Quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ cũng phải tính đến "đo ni đóng giày" với từng nhà đầu tư chiến lược mới thật sự phát huy hiệu quả.

"Công nghiệp hỗ trợ phải là hỗ trợ của ngành hàng gì, xoay quanh những nhà đầu tư chiến lược nào chứ chúng ta không nói chung chung. Cái này cần có sự quan tâm quyết liệt trong quy hoạch phát triển công nghiệp của từng địa phương, đặc biệt là TP.HCM", ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho hay.

Từ sự vướng mắc tại KCN Hiệp Phước giai đoạn 2, HEPZA cho biết trong giai đoạn còn lại sẽ không quy hoạch các lô nhỏ; đồng thời xây dựng quỹ nhà xưởng tiêu chuẩn hoặc nhà xưởng cao tầng trên những lô đất lớn, sau đó chia ô nhỏ cho dễ tiếp nhận các doanh nghiệp để tránh việc lặp lại những vướng mắc cũ.

Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, cộng với lợi thế từ chuyển dịch chuỗi cung ứng để doanh nghiệp chuyển mình. Tuy nhiên, cần hơn nữa những lời giải phù hợp cho bài toán phát triển khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM, bởi phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình, giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo VTV