Một số khách hàng đã yêu cầu công ty chip Hana Micron (Hàn Quốc) chuyển khỏi Trung Quốc, công ty này đã đầu tư gần 1 tỷ đô la Mỹ để thực hiện kế hoạch trên - nhiều khả năng Việt Nam sẽ là lựa chọn cuối cùng.
Ông Cho Hyung Rae, Phó chủ tịch Hana Micron nói với Reuters rằng: “công ty đang mở rộng tại quốc gia Đông Nam Á này (Việt Nam) để đáp ứng yêu cầu từ các khách hàng công nghiệp muốn chuyển một số năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc”.
Amkor Technology và Intel đã rót hàng tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam để tăng năng lực hậu cần ngành bán dẫn. Ngoài ra, hai doanh nghiệp này đã đầu tư thêm 1,6 tỷ đô la Mỹ để mở rộng các cơ sở đóng gói, kiểm định chip.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, 3 công ty trên có thể đầu tư vào Việt Nam khoảng 2,5 tỷ đô la Mỹ. Ở trong nước, FPT đã chuẩn bị nội lực với một nhà máy thử nghiệm rộng 1.000 m2, trị giá 30 triệu đô la Mỹ với 10 máy thử nghiệm sẽ vận hành vào năm 2025.
Ngoài các dự án đang triển khai này, hai công ty Việt Nam khác cũng có kế hoạch tham gia sản xuất chip. Reuters dẫn lời ông Lê Đăng Dũng, cố vấn cấp cao của Sovico cho biết, công ty này đang tìm kiếm các đối tác quốc tế để xây dựng một cơ sở ATP tại Đà Nẵng. Cùng lúc đó, Viettel cũng đang dồn lực bước vào ngành công nghiệp này.
Theo báo cáo được Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ và Boston Consulting Group công bố vào tháng 5, Việt Nam chỉ sở hữu 1% thị trường lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) toàn cầu vào năm 2022, nhưng có thể sẽ chiếm 8% đến 9% thị phần toàn cầu vào năm 2032. Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất sáu nhà máy sản xuất chip vào năm 2050, đưa đất nước trở thành nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu.
Bên cạnh đó, báo cáo này còn cho biết: Các gã khổng lồ công nghệ như Nvidia và Apple đang để mắt đến quốc gia này như một địa điểm tương lai cho năng lực sản xuất của họ, góp phần vào sự hiện diện hiện tại của Intel.
“Khởi nghiệp” với ATP trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn là lựa chọn đúng đắn với xuất phát điểm của Việt Nam hiện nay. Bởi công đoạn này ít thâm dụng vốn hơn khâu thiết kế và chế tạo hiện do Trung Quốc đại lục và Đài Loan thống trị.
Hiện nay, lợi thế dân số và lao động ở nước ta vẫn còn. Tuy ATP là công đoạn mang lại giá trị thặng dư không cao nhưng đây là “cánh cửa” để nâng cao năng lực công nghiệp bán dẫn. Với sự lớn mạnh của các công ty trong nước sẽ thu hút được nhiều đối tác lớn.
Vấn đề là: Làm sao để tự nâng cấp mình, làm chủ công nghệ cao cấp hơn trong bối cảnh cơ hội được chuyển giao ngày càng hẹp lại? Nhưng quá trình hợp tác với các công ty hàng đầu đóng vai trò là môi trường đào tạo con người rất lý tưởng.
Tiếp đến là năng lực nghiên cứu sáng tạo của người Việt sẽ quyết định đến vị trí, tầm vóc của chúng ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một hành trình rất dài và cần nguồn vốn khổng lồ.
Trương Khắc Trà