Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng vừa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng của ngân hàng và một công ty cổ phần.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2021, ngân hàng đã cấp tín dụng hạn mức 60 tỷ đồng cho doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh và phát hành L/C phục vụ hoạt động sản xuất, lắp đặt máy móc thiết bị công nghiệp. Thời hạn vay là 36 tháng.
Để đảm bảo cho khoản vay trên, công ty thế chấp bất động sản 500m2 là loại đất dùng làm cơ sở sản xuất kinh doanh và tài sản gắn liên với đất là căn nhà 5 tầng; cùng các khoản tiền bảo hiểm (nếu có) và toàn bộ vật phụ, cây trồng, trang thiết bị kèm theo.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng, công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Ngày 9/3/2023, ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản trên nhưng không có sự tham gia của công ty.
Ngày 14/3/2023, công ty nhận được thông báo về việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Công ty đã gửi văn bản phản đối vì cho rằng ngân hàng tiến hành thủ tục trái quy định.
Đến ngày 21/8/2023, công ty biết được thông tin ngân hàng đang tiến hành thủ tục để bán đấu giá tài sản trên. Ngày 24/8/2023, ngân hàng thông tin về việc bán đấu giá tài sản với giá khởi điểm 63,2 tỷ đồng; bước giá 200 triệu đồng. Thời gian tổ chức đấu giá vào 15h00 ngày 8/9/2023.
Công ty cho rằng việc ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm là không đúng quy định nên khởi kiện ra tòa án.
Trong thời gian này, ngân hàng đã thanh lý hợp đồng dịch vụ đấu giá và ngày 12/8/2024, ngân hàng có quyết định “hủy bỏ” việc thu giữ tài sản đảm bảo trên. Do đối tượng khởi kiện không còn nên công ty rút đơn khởi kiện. Ngược lại, ngân hàng đã có đơn phản tố và tòa án tuyên buộc công ty phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi là gần 50 tỷ đồng cho ngân hàng.
Tòa án cũng xác định hợp đồng thế chấp được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm nên trường hợp công ty không trả được nợ thì tài sản được xử lý theo quy định pháp luật để ngân hàng thu hồi nợ gốc, lãi.
Trên thực tế, quyền thu giữ tài sản đảm bảo chưa được luật hóa trong khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 khiến việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn.
Trong Hội nghị Thường trực Chính phủ tháng 9/2024 làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, có ngân hàng cho biết các tổ chức tín dụng không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành.
Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.
Rà soát quy định hiện hành thấy rằng, khoản 3, Điều 200 và khoản 15, Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng có quy định về việc “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ, g và h khoản 1 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15và phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 40 của Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15”.
Từ các quy định hiện hành, các chuyên gia nhấn mạnh các tổ chức tín dụng cần phải làm tốt các khâu thẩm định, tuân thu quy định pháp luật, quy định về thỏa thuận hợp đồng, tranh tụng tại tòa án về tranh chấp liên quan đến giao tài sản bảo đảm.
Đỗ Mến