Mục tiêu quan trọng
Xác định “Chuyển đổi số là khâu đột phá”, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Nam Định đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số (CĐS).
Được đánh giá là một trong những ngành tiên phong “mở đường”, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, điều hành, hoạt động CĐS giúp ngành GTVT phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông…
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Nam Định: Năm 2024 Sở GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 chuyên ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành để từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Việc quản lý và điều hành thông minh, an toàn; đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, Sở đã tổ chức triển khai mô hình “Chuyển đổi số trong quản lý hệ thống điều khiển trung tâm đèn tín hiệu giao thông thông qua hệ thống camera giám sát tại một số nút giao trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Các cụm đèn tín hiệu tại 6 nút giao thông gồm: đường tỉnh 490C và đường Lê Đức Thọ. Đường tỉnh 485B và đường tỉnh 490C, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Nút giao đường tỉnh 490C và Quốc lộ 37B tại cầu 3-2, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Quốc lộ 21 và đường tỉnh 487B tại cống Khâm, xã Nam Hồng (Nam Trực). Quốc lộ 21 và đường tỉnh 487 tại cầu Điện Biên, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). Quốc lộ 38B và đường tỉnh 485, thị trấn Lâm (Ý Yên).
Theo đánh giá của Sở GTVT Nam Định, các cụm đèn giao thông này đều nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, vào giờ cao điểm và các các dịp cao điểm lễ, tết có lưu lượng qua lại lớn, cần điều chỉnh thời gian các pha đèn để đảm bảo giao thông thông suốt, tránh hiện tượng người và phương tiện lưu thông cùng thời điểm lớn dẫn đến ùn tắc cục bộ.
Nếu như trước đây, muốn điều chỉnh pha đèn phải có nhân lực thực hiện tại hiện trường thì hiện tại thông qua camera giám sát và hệ thống điều khiển trung tâm tại Sở, cán bộ phụ trách có thể trực tiếp điều chỉnh thời gian các pha đèn ngay trên hệ thống, đảm bảo hiệu quả, kịp thời.
Năm 2024 Sở đã giao cho Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông triển khai 3 cụm đèn tín hiệu giao thông trên quốc lộ, 2 cụm đèn tín hiệu giao thông trên tỉnh lộ. Hiện đang triển khai thi công 3 cụm đèn tín hiệu giao thông trên Quốc lộ 37B tại các vị trí nút giao ngã tư Mậu Lực giao với đường 57B, xã Yên Cường; ngã ba Vàng, xã Yên Bình và vị trí nút giao Km105 +550 trên tuyến Quốc lộ 38B thuộc địa phận huyện Ý Yên.
Lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số được ví như cuộc cách mạng toàn diện, làm thay đổi tổng thể trong cách thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin để giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh, Sở GTVT chủ động thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Sở xây dựng quy chế hoạt động, tham vấn các chuyên gia, đơn vị tư vấn chuyên sâu thực hiện phát triển chính quyền số, hạ tầng dữ liệu số và nhân lực số. Điều này, đã đem đến nhiều trải nghiệm mới tiện ích, minh bạch, chính xác, hiệu quả trong các hoạt động nghiệp vụ của Sở.
Đến nay, 100% công chức thuộc Sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số và thực hiện ký số văn bản điện tử; đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình mức độ 4 đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trong những tháng đầu năm 2024, Sở đã tiếp nhận 2.142 hồ sơ, đã giải quyết 1.989 hồ sơ. Trong đó, yêu cầu bổ sung 3 hồ sơ, từ chối 127 hồ sơ (do GPLX và căn cước công dân (CCCD) sai thông tin, ảnh không đạt yêu cầu, file scan căn cước công dân và GPLX không đủ hai mặt. Dừng xử lý 23 hồ sơ (do không nộp lệ phí). Tổng số tiền phí thanh toán trực tuyến trên 228,7 triệu đồng.
Thực hiện mô hình “Triển khai nền tảng quản lý lưu trú trên xe khách đường dài”, Sở GTVT đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, ban hành văn bản gửi Công an các huyện và Công an thành phố Nam Định, các đơn vị vận tải nghiên cứu, quan tâm đầu tư, bố trí hạ tầng, nhân lực, lắp đặt vận hành hệ thống máy móc, thiết bị (nếu có) để triển khai thực hiện tại đơn vị, thường xuyên hướng dẫn hành khách đi xe thông báo lưu trú qua phần mềm lưu trú ASM.
Theo Sở GTVT: Hoạt động CĐS của ngành GTVT được thực hiện hiệu quả, sâu rộng cho toàn bộ hoạt động quản lý GTVT: Áp dụng hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý xe ô tô tại phòng quản lý vận tải. Qua kết quả phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu giám sát hành trình đã kịp thời có các biện pháp xử lý đối với xe ô tô vi phạm.
Đối với mô hình “Triển khai camera AI kiểm soát vào/ra tại nhà ga; bến tàu; bến xe” mục tiêu là triển khai tại Ga Nam Định, Bến xe Nam Định giải pháp lắp đặt camera kết nối về trung tâm điều hành thông minh (IOC). Sở GTVT đã tổ chức hội nghị tuyên truyền giúp các bến xe theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát an ninh trật tự.
Tuy nhiên, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh hoạt động theo hình thức xã hội hoá, đa số quy mô nhỏ. Lượng hành khách đến bến để đi xe ít, nguồn thu, trình độ nhân lực hạn chế nên đã gặp nhiều khó khăn trong triển khai ứng dụng lắp đặt camera AI kiểm soát ra/vào tại bến xe. Đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị camera AI. Tại Nhà ga Nam Định cũng chưa triển khai được vì chưa có trung tâm điều hành thông minh để nhận dữ liệu.
Ngoài ra, Sở đã thực hiện văn bản chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) về mô hình “Triển khai thiết bị giám sát thi, sát hạch lái xe”, nghiên cứu ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử trong sát hạch lái xe tới các Trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn; triển khai thiết bị giám sát thi, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Hiện tại có 2 Trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã đầu tư và đưa vào hoạt động thiết bị đọc thẻ CCCD kết nối với phần mềm quản lý của Trung tâm sát hạch...
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về GTVT. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn chi tiết cụ thể về cách thức số hóa hồ sơ kết quả để đạt hiệu quả tối đa trong công việc từ tháng 7/2024. Sở GTVT đang đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam triển khai việc thực hiện cấp đổi, cấp lại GPLX mô tô, ô tô trực tuyến để tạo điều kiện tốt nhất cho công dân có thể làm thủ tục tại nhà mà không cần phải trực tiếp đến các trung tâm hành chính để làm thủ tục.
Việc chuyển đổi số toàn diện diễn ra trong ngành GTVT tại Nam Định đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân và doanh nghiệp. Minh chứng rõ nét là các TTHC được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, thực hiện trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, tạo sự công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực có thể phát sinh trong giải quyết TTHC. Chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số.
Trung Thành - Hiền Bùi
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp