Ngày 21/7/2025, trong bài phỏng vấn với Nhân dân Nhật báo, Wang Ning – người sáng lập kiêm Chủ tịch Pop Mart – chia sẻ những cảm xúc trái chiều về thành công của IP đồ chơi LABUBU. Doanh số của Labubu đã vượt 3 tỷ nhân dân tệ chỉ trong năm nay, nhưng Wang cho rằng: “Áp lực, lo lắng chắc chắn là có”, đặc biệt khi dư luận bắt đầu bàn tán về đầu cơ, giá cả phi lý và tính minh bạch trong mô hình hộp mù.

Wang lý giải, với một sản phẩm văn hóa mới mẻ, việc có người yêu thích, người tò mò, thậm chí người nghi ngờ là hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng, theo ông, là Pop Mart không chỉ “bán sản phẩm” mà đang “bán văn hóa” – một bước tiến chiến lược giúp hãng khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp sáng tạo.

Từ cơn sốt hộp mù đến đế chế văn hóa mới

Được thành lập năm 2009, Pop Mart đã trải qua 15 năm phát triển để vươn lên thành doanh nghiệp có doanh thu hàng năm vượt 13 tỷ nhân dân tệ. Với một hệ sinh thái IP mở và bài bản, công ty thu hút nhiều nghệ sĩ thiết kế quốc tế để cùng nhau tạo nên những nhân vật độc đáo như Labubu.

Wang Ning khẳng định: “Pop Mart không thể chỉ dùng tiền là tạo ra được một Labubu. Nó là kết quả của năng lực sáng tạo, thẩm mỹ và chuỗi sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc.” Ông ví dụ, một chiếc cốc sản xuất hàng loạt chỉ còn giá 10 nhân dân tệ, nhưng nếu mang dấu ấn văn hóa như Labubu, nó có thể được bán lại với giá 100 nhân dân tệ. Đây chính là giá trị gia tăng từ sức mạnh mềm.

Labubu và giá trị vượt ngoài sản phẩm

Labubu – chú gấu bông mang nét đáng yêu pha lẫn kỳ quái – hiện là biểu tượng toàn cầu của Pop Mart. Một số phiên bản giới hạn thậm chí được bán với giá hàng chục ngàn nhân dân tệ, gây tranh cãi trong cộng đồng sưu tầm. Nhưng theo Wang Ning, nhu cầu là đa dạng: “Có người thích phiên bản phổ thông, có người lại chỉ tìm bản giới hạn.”

Dự kiến, sau tháng 9/2025, mỗi tháng Pop Mart có thể bán gần 10 triệu sản phẩm Labubu trên toàn cầu – một con số cho thấy sức hút không hề giảm nhiệt. Công ty cũng triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường.

Tăng tốc toàn cầu hóa, nhưng không muốn là "Disney Trung Quốc"

Năm 2024, doanh thu ở nước ngoài của Pop Mart đạt 5,07 tỷ nhân dân tệ, tăng 375,2% so với năm trước. Wang Ning đặt mục tiêu đưa doanh thu quốc tế vượt doanh thu nội địa ngay trong năm 2025, với Bắc Mỹ được kỳ vọng vượt Đông Nam Á để trở thành thị trường lớn nhất.

Khác với nhiều công ty Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu, Pop Mart đi theo hướng bản địa hóa “chậm mà chắc”, tự xây dựng đội ngũ và tuyển dụng nhân sự bản địa tại hơn 200 cửa hàng toàn cầu.

Dù nhiều người gọi Pop Mart là “Disney của Trung Quốc”, Wang Ning bác bỏ kỳ vọng đó. “Chúng tôi không muốn trở thành Disney của Trung Quốc, mà là Pop Mart của thế giới”, ông khẳng định.

Bùng nổ tài sản, củng cố vị trí trên bản đồ tỷ phú

Với sự tăng vọt của Labubu, cổ phiếu Pop Mart đã tăng hơn 1.129% kể từ đầu năm 2024, đưa giá trị thị trường của công ty lên 330,1 tỷ đô la Hồng Kông (tính đến 18/7/2025).

Theo Forbes, tính đến tối 19/7, Wang Ning sở hữu khối tài sản ròng 20,4 tỷ USD, đứng thứ 10 trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc.

Dù vậy, Wang vẫn giữ thái độ khiêm tốn và thận trọng: “So với những công ty trăm năm tuổi, chúng tôi vẫn còn nhiều thiếu sót. Pop Mart cần cắm rễ sâu như một cái cây, đi theo con đường riêng, vì nếu chỉ lặp lại bước chân của người khác, sẽ không bao giờ vượt qua được họ.”

LK