Tăng học phí phải tính toán đến sức chi trả của người dân. Ảnh: Diệp An
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (gọi tắt là dự thảo nghị định).
Dự thảo nghị định đưa ra mức học phí mới thay thế Nghị định 86 của Chính phủ dự kiến thực hiện từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, do vấp phải phản ứng của dư luận nên ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xin giữ nguyên học phí của năm học tới như năm học 2020-2021.
Như vậy, nếu được Chính phủ chấp thuận và dự thảo nghị định đi vào thực tế thì từ năm học 2022-2023, sẽ chính thức áp dụng mức tăng học phí theo quy định mới. So với Nghị định 86 quy định về học phí hiện hành, dự thảo nghị định có 2 điểm mới liên quan học phí ĐH công lập. Đó là, học phí ĐH được chia thành 4 mức, thay vì 2 mức như hiện nay (các trường ĐH tự chủ và các trường ĐH chưa tự chủ); gắn kiểm định với học phí.
Theo đó, dự thảo nghị định quy định cụ thể mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước từ 1,25-2,45 triệu đồng/tháng. Mức học phí này được coi là mức cơ sở để xác định các mức học phí tiếp theo.
Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước (tự chủ mức 1), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí được quy định.
Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước (tự chủ mức 2), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí.
Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và được tự chủ, đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế (tự chủ mức 3), được tự xác định học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt.
Tăng học phí nhưng phải tính đến sức chịu của dân
Trong năm học 2020-2021 này, các trường ĐH công tự chủ thực hiện thu học phí trong khoảng 20,5-50,5 triệu đồng/năm, cao gấp 2-3,5 lần so với mức trần học phí chương trình tương đương tại trường chưa tự chủ. Theo dự thảo Nghị định, mức học phí này còn cao hơn nữa. Học phí trường tự chủ mức 1 và mức 2 dự kiến tối đa gấp 2-2,5 lần trần học phí trường chưa tự chủ.
Cụ thể, trần học phí trường chưa tự chủ năm học 2021-2022 từ 12-24,5 triệu đồng/năm. Như vậy, dự kiến trần học phí trường tự chủ khối ngành cao nhất tối đa 49 đến trên 61 triệu đồng/năm. Với khối ngành Y dược, mức trần học phí quy định từ năm học 2021-2022 (Bộ GD&ĐT xin lùi lại một năm thì có thể sẽ thực hiện vào năm học 2022-2023) là 2,45 triệu đồng/tháng, tương đương 24,5 triệu đồng/năm học.
Đối với các trường tự chủ mức 1 và mức 2, sẽ có mức học phí tương đương là 49 triệu đồng/năm và 61,25 triệu đồng/năm. Và nếu tính theo lộ trình đã được Bộ GD&ĐT xây dựng thì mức học phí đến năm học 2025- 2026 đối với ngành Y dược sẽ tương đương 78,8 triệu đồng/năm và 98,5 triệu đồng/năm học. Với 5-6 năm học y dược, học phí tăng trung bình 10%/năm thì số tiền phụ huynh bỏ ra cho con học ngành Y dược lên đến cả tỷ đồng.
PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, học phí nhóm ngành công nghệ thông tin đang cao nhất của trường hiện nay là 24 triệu đồng/năm. Nếu tăng như dự thảo thì năm học đầu tiên thực hiện sẽ là 36,25 triệu đồng/năm, tức là tăng đến 50% so với mức học phí của năm học này.
“Tăng như thế thì người dân không thể chịu nổi. Tăng học phí là điều không tránh khỏi nhưng nên tăng trong sức chịu đựng của người dân. Hiện nay, hằng năm, trường cũng chỉ tăng học phí 8% trong khi theo quy định có thể tăng hơn. Còn với mức học phí mới theo dự thảo Nghị định thì tăng tới 15%”, ông Điền nói.
Ngoài 23 trường ĐH được phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, nhiều trường khác đã và đang xây dựng lộ trình chuyển sang tự chủ trong một vài năm tới.
Trong Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định, Bộ GD&ĐT trình bày lý do đề xuất tăng học phí là căn cứ thực trạng khảo sát về chi phí giáo dục giai đoạn 2016-2019; mức độ kiểm định chất lượng tại 70 cơ sở giáo dục ĐH công lập trên toàn quốc; nghiên cứu của nhóm chuyên gia ĐH Quốc gia Hà Nội. Tất cả cho thấy để hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ vào năm 2025, mức học phí của nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tăng tối thiểu 2,5 lần mức trần học phí của các trường chưa tự chủ chi thường xuyên.
Nghiêm Huệ
Theo Tiền Phong