Trong vài năm trở lại đây, mua sắm online đã dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử cũng vì thế mà phát triển ngày càng nhanh chóng. 

Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa, sản phẩm lại chưa thể song hành với sự phát triển đó. Hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn được các gian hàng chào bán một cách công khai trên nhiều trang thương mại điện tử.

Những chiếc tai nghe AirPods hàng giả được bày bán công khai trên Shopee.

Tìm kiếm với từ khóa “AirPods Pro” trên sàn thương mại điện tử Shopee, người dùng sẽ nhận về được hàng trăm kết quả với đủ loại hàng khác nhau. Không khó để nhận thấy thấy nhiều sản phẩm được bày bán là hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thậm chí, nhiều chủ gian hàng cũng không ngần ngại công khai rằng chúng là hàng giả. Những mẫu quảng cáo với tiêu đề như “Tai nghe AirPods Pro hàng rep 1:1 giá rẻ” xuất hiện tràn lan trên trang thương mại điện tử này. Mức giá của chúng cũng rất đa dạng, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

“Chúng tôi thực hiện kiểm tra và gỡ bỏ hàng ngày đối với các sản phẩm mới được đăng bán và tổng kiểm tra các sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn theo định kỳ ít nhất một lần/tháng thông qua đội ngũ nhân sự kiểm duyệt và danh sách từ khóa được đặt trên hệ thống. Tùy từng trường hợp, Shopee sẽ có các mức độ xử lý khác nhau đối với các vi phạm của nhà bán hàng, với hình thức xử lý cao nhất là khóa tài khoản vĩnh viễn”, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee chia sẻ với Dân trí.

Đơn vị này cho biết rằng họ cũng đã thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể báo cáo các sản phẩm vi phạm đến Shopee, từ đó công ty sẽ có biện pháp xử lý theo quy định. 

Tuy nhiên, có vẻ như những biện pháp của sàn thương mại điện tử này vẫn chưa đủ sức răn đe, khi hàng loạt gian hàng vẫn công khai bán hàng giả, hàng nhái trong một khoảng thời gian dài.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra tại sàn Shopee. Trong đợt khuyến mại 11/11 vừa qua, nhiều người dùng cho biết rằng họ đã mua phải thẻ nhớ giả trên sàn Lazada.

Những chiếc thẻ nhớ được quảng cáo là mang thương hiệu Sandisk, có dung lượng lên tới 512 GB nhưng lại chỉ được bán với mức giá khoảng 100.000-150.000 đồng. Trong khi đó, mức giá cho một sản phẩm chính hãng tương tự hiện khoảng 2 triệu đồng.

Ngành hàng thời trang cũng là mảnh đất màu mỡ mà dân buôn hàng giả nhắm tới.

Không chỉ riêng mặt hàng điện tử, nhiều ngành hàng khác cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Tìm kiếm với từ khóa “giày Adidas” trên trang của Lazada, người dùng có thể dễ dàng tìm được những chiếc giày nhái với mức giá chỉ từ 200.000 đồng.

Dân trí cũng đã liên hệ với Lazada để phản ánh về tình trạng hàng giả được bày bán tràn lan nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ trang thương mại điện tử này.

“Chúng tôi luôn thực hiện các chính sách và hoạt động định kỳ để rà soát và kiểm tra hàng hóa về mặt chứng từ và hàng hóa vật lý thực tế, từ đó kiểm chứng về mức độ uy tín của gian hàng, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa. Các chủ gian hàng kinh doanh phải ký cam kết về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, đồng thời đảm bảo sản phẩm có đầy đủ chứng từ, hóa đơn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi có yêu cầu”, đại diện truyền thông một sàn thương mại điện tử khác trao đổi với Dân trí.

 

Thế Anh
Theo Dân trí