untitled.jpg

Tàu khu trục Đức “Baden-Wuerttemberg” neo đậu tại Hàn Quốc. Ảnh: DPA

Khi Trung Đông đang trên bờ vực của một cuộc xung đột khu vực toàn diện và cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn, châu Á cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng quân sự hóa và rủi ro xung đột ngoài ý muốn.

Điều này được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa các cường quốc. Với sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ về Trung Quốc, các nhà lãnh đạo châu Á nên xác định rằng Mỹ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực vào việc kiềm chế Trung Quốc và tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng để đối phó với thách thức này.

Câu hỏi đặt ra là các quốc gia Đông Nam Á và các cường quốc tầm trung khác có thể đóng vai trò gì để quản lý căng thẳng gia tăng và củng cố an ninh khu vực?

Để chứng minh năng lực răn đe của mình, ngày 25/9, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào Thái Bình Dương, lần thử nghiệm đầu tiên trong 44 năm, đồng thời tăng cường các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả với Nga.

Một số cuộc tập trận này được cho là phản ứng với các cuộc tập trận do Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác trong khu vực thực hiện. Cuộc tập trận gần đây nhất của Trung Quốc, được thực hiện từ ngày 30/9 đến ngày 1/10, trùng với cuộc tập trận của 5 quốc gia Hoa Kỳ, Philippines, Australia, Nhật Bản và New Zealand.

a.jpg
Tàu sân bay trực thăng JS Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (phía trước) và các tàu chiến khác ở Vịnh Sagami, phía Nam Tokyo. Ảnh: Kyodo News/AP

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này, Đông Nam Á có lợi khi hoan nghênh sự tham gia độc lập của các cường quốc ngoài khu vực như một minh chứng cho cam kết của họ trong việc duy trì các tuyến đường biển quan trọng được tự do và thông suốt.

Trên thực tế, bà William Choong, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS – Yusof Ishak cho biết, việc tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên hơn giữa các lực lượng hải quân Đông Nam Á và các lực lượng hải quân quá cảnh từ châu Âu cũng là yếu tố cần thiết.

Các cuộc tập trận như vậy thúc đẩy khả năng tương tác giữa các lực lượng hải quân và có thể là cơ hội để nhiều quốc gia Đông Nam Á đóng góp vào các nỗ lực bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển.

Nhật Bản và Australia cũng có thể tham gia các cuộc tập trận như vậy. Kể từ năm 2017, Nhật Bản đã gửi tàu sân bay lớp Izumo và tàu hộ tống đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hàng năm, tiến hành các cuộc tập trận với các cường quốc tầm trung khác như Australia và các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines.

Australia cũng có một loạt các cuộc triển khai hoạt động hải quân tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tương tự nhưng với quy mô nhỏ hơn được gọi là Chương trình Indo-Pacific Endeavour.

Cả hai quốc gia này đang ngày càng đóng vai trò an ninh quan trọng hơn trong khu vực và việc họ cùng tham gia các cuộc tập trận giữa hải quân châu Âu và các đối tác Đông Nam Á sẽ nhấn mạnh cam kết chung về sự ổn định của khu vực.

Tuy nhiên, bà Lee Sue-Ann, Nghiên cứu viên cao cấp và Điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Khu vực tại Viện ISEAS – Yusof Ishak chỉ ra, vẫn sẽ có những thách thức. Hải quân châu Âu chỉ triển khai trong khu vực theo định kỳ. Trong khi hải quân Đông Nam Á không có đủ khả năng để theo kịp các cuộc tập trận quân sự thường xuyên.

Mặc dù các cuộc tập trận như vậy có thể không có tác dụng răn đe đáng kể, nhưng giá trị của chúng nằm ở việc thiết lập và củng cố các chuẩn mực nhằm duy trì các quy tắc hàng hải hiện hành và giữ gìn hòa bình.

Cẩm Anh