Nhiều điều khoản từ Trung Quốc trong hợp tác xây dựng dự án đã bị Thái Lan bác bỏ vì cho rằng đó là những yêu cầu vô lý.

Kể từ khi bắt đầu xây dựng giai đoạn đầu tiên của dự án, các quan chức Thái Lan và công ty tham gia dự án đã nói rằng họ rất khó làm việc cùng giám sát viên Trung Quốc, theo Free Malaysia Today.

Dự án đường sắt lần đầu tiên được công bố vào năm 2010, và bắt đầu hình thành rõ ràng sau khi Bắc Kinh năm 2013 công bố kế hoạch kết nối Côn Minh ở Vân Nam với Singapore bằng đường sắt.

Mục đích chính của nước này là tạo ra một tuyến đường vận tải trên đất liền có thể thay thế cho các tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông và eo biển Malacca.

Một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh đối với khu vực đã thành hiện thực vào tháng 12/2021 khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào bắt đầu hoạt động. Bắc Kinh tài trợ 70% cho dự án xây dựng trị giá 6 tỷ USD, một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Để chiến lược này có hiệu quả, Trung Quốc cần Thái Lan hợp tác vì tuyến đường sắt phải đi qua nước này để đến Malaysia và Singapore.

Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận với Bangkok vào năm 2015. Chính phủ Thái Lan vào thời điểm đó cũng tỏ ra rất quan tâm đến dự án.

Theo các kế hoạch ban đầu, Trung Quốc cam kết cung cấp vốn cho một liên doanh Trung Quốc - Thái Lan mới thành lập để hoàn thành tuyến đường vào năm 2020, trước tuyến Trung Quốc - Lào.

Đường sắt xuyên Á của Trung Quốc tạm dừng ở Thái Lan. Ảnh: AP.

Tuy nhiên vào thời điểm bắt đầu xây dựng vào năm 2017, Thái Lan đã thay đổi mạnh mẽ kế hoạch cho dự án.

Bangkok cho rằng Bắc Kinh đã có những yêu cầu vô lý, bao gồm các điều khoản cho vay và yêu cầu sử dụng vật liệu và công nhân Trung Quốc. Trung Quốc cũng muốn có quyền phát triển các khu vực dọc theo tuyến đường sắt.

Những yêu cầu đó đã làm Bangkok không hài lòng và dự án đã bị cắt giảm khoảng 60% để trở thành tuyến đường sắt dài 253 km giữa Bangkok và tỉnh Nakhon Ratchasima.

Kế hoạch thành lập liên doanh Trung Quốc - Thái Lan cũng bị loại bỏ vì đã có quyết định rằng Thái Lan sẽ chịu hoàn toàn tổng chi phí xây dựng là 170 tỷ baht (5 tỷ USD).

Kể từ đó, dự án đã được tiến hành với tốc độ cực chậm, với chỉ 4% tuyến đường được hoàn thành trong suốt 4 năm.

Thái Lan không chắc chắn về việc mở rộng tuyến đường sắt cao tốc tới biên giới Lào thông qua một dự án về cơ bản là của Bắc Kinh, đồng thời yêu cầu nước này phải trả tiền lắp đặt hệ thống của Trung Quốc cùng với các chi phí khác.

Hồng Ngọc
Theo zingnews