Tín dụng bất động sản bật tăng mạnh

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã vượt 16,6 triệu tỷ đồng, tăng 6,32% so với đầu năm. Riêng tín dụng bất động sản ghi nhận mức tăng 7,49% trong quý I, cao gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng chung (3,91%).

Đáng chú ý, tín dụng dành cho nhà ở xã hội đã có bước phục hồi mạnh sau thời gian điều chỉnh. Tính đến hết tháng 4/2025, dư nợ tín dụng nhà ở xã hội đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước — mức tăng cao nhất trong 3 tháng gần đây. Nguyên nhân chính là các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh các gói vay ưu đãi cho người thu nhập thấp, với lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn linh hoạt, giúp nhiều lao động có điều kiện tiếp cận nhà ở.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đang triển khai các gói vay dành riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi, hướng đến các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… góp phần giải bài toán an cư cho lực lượng lao động trẻ.

Một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Big4 tại Hải Phòng cho biết: “Mức lãi suất cố định 5,5% trong 3 năm đang thu hút đông đảo các gia đình trẻ. Từ đầu tháng 5 đến nay, tốc độ giải ngân tăng mạnh nhờ giá nhà tại Hải Phòng vẫn còn thấp hơn nhiều so với Hà Nội hay TP HCM”.

Chưa xuất hiện dấu hiệu “quá nóng”

Dòng tín dụng chảy mạnh vào bất động sản được đánh giá là dấu hiệu tích cực, phản ánh sự phục hồi nhu cầu sau giai đoạn trầm lắng kéo dài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh rủi ro “nóng sốt” trở lại.

TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP HCM) nhận định: “Tín dụng bất động sản tăng mạnh nhưng chưa tới mức quá nóng. Thị trường phục hồi hợp lý sẽ hỗ trợ các ngành nghề liên quan, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu tỷ trọng tín dụng bất động sản kéo dài quá lớn sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên khác”.

Ông Huân cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh triển khai các gói tín dụng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng chiến lược và xuất khẩu để đảm bảo tín dụng được phân bổ hài hòa, tránh dồn quá nhiều vào một lĩnh vực.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng hơn 50% vốn của doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối.

“Chúng ta cần khơi thông thêm các kênh vốn khác như phát hành trái phiếu, huy động từ quỹ đầu tư, quỹ phát triển bất động sản. Những quỹ này đã được bàn thảo từ lâu nhưng rào cản pháp lý vẫn chưa được gỡ bỏ triệt để”, ông Đính nói.

Triển vọng và những lưu ý

Triển vọng nửa cuối năm 2025 được đánh giá khả quan khi lãi suất cho vay có khả năng duy trì ở mức thấp, hành lang pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, các gói tín dụng ưu đãi được triển khai sâu rộng. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn khuyến nghị thị trường cần tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp nhu cầu ở thực, có giá hợp lý để tránh lặp lại kịch bản “bong bóng” giá.

Bên cạnh đó, việc phát triển đồng bộ các kênh vốn thay thế tín dụng ngân hàng sẽ là giải pháp bền vững, giúp ngành bất động sản phát triển lành mạnh, đóng góp ổn định cho tăng trưởng kinh tế chung.


Theo: Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước