Phát biểu trong tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ", ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định, đơn vị luôn sẵn sàng đón khách và vận chuyển thương mại. Bên cạnh đó là đã chuẩn bị cho các bước đi phát triển lại thị trường quốc tế, bên cạnh phát triển nội địa.

Tàu bay được khử trùng trước, sau khi đón khách. Ảnh: Bamboo Airways.

Cụ thể, để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại, hãng hàng không đã nỗ lực tạo ra môi trường an toàn nhất cho du khách và áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo trong quá trình vận chuyển hành khách; khuyến khích tự làm thủ tục check-in, giảm thiểu tiếp xúc...

Hiện nay, hãng đã sẵn sàng triển khai thác các đường bay thẳng tới Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản từ tháng 7/2021 và dự kiến mở bán vé trong tháng 4 khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Bên cạnh đó, hãng đang tích cực xúc tiến và hoàn tất các thủ tục, để đưa vào khai thác các đường bay tới các điểm đến quốc tế khác như Australia, Czech, Đức, Anh. Trong năm qua, hãng hàng không thực hiện nhiều bay quốc tế để đưa công dân về nước.

Trong tọa đàm, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, ngành đã có đề xuất ưu tiên tiêm vaccine ưu tiên cho tất cả cán bộ tại 23 cảng hàng không từ lâu và Bộ Y tế sẽ có sự phân bổ phù hợp tất cả các ngành có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh cao. Việc tiêm vaccine giúp du khách an tâm hơn khi tới điểm đến và đảm bảo đúng tiêu chí "du lịch an toàn" Việt Nam đề ra trước đó.

Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, năm 2020 con số này là 3,8 triệu lượt, giảm 78,7%. Ảnh: Hương Chi.

Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, năm 2020 con số này là 3,8 triệu lượt, giảm 78,7%. Ảnh: Hương Chi

Đại diện cho doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Flamingo Redtours cho biết, đơn vị đã chuẩn bị sẵn kịch bản để đón khách quốc tế. Ông cho rằng ngành hàng không đã đề xuất lộ trình 3 giai đoạn để mở đường bay thương mại, thì du lịch cũng cần chuẩn bị kế hoạch ba bước để đón khách vào Việt Nam.

Nhận định ngành du lịch còn nhiều khó khăn, ông đề xuất Tổng cục Du lịch nghiên cứu lại thị trường, nhu cầu du khách... để định hướng lại cho các công ty lữ hành. Đồng thời xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn doanh nghiệp đón khách quốc tế, để đảm bảo an toàn nhưng không quá cứng nhắc. Mở cửa lại thị trường quốc tế sẽ có những rủi ro, vì vậy cũng cần có cơ chế cụ thể để xác định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Hoan đề xuất đưa quỹ xúc tiến du lịch sớm đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bây giờ, để chuẩn bị phục hồi, khi hàng loạt nhân sự lao động ngành du lịch đã chuyển sang ngành khác.

Ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages, cho biết từ ý kiến của khách hàng, đối tác thì vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Vì vậy, lộ trình mở cửa triển khai từ từ nhưng cần có chính sách rõ ràng. Ông mong muốn Việt Nam có thể đón khách có hộ chiếu vaccine, đồng thời, đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trong nước để đảm bảo yếu tố được ưu tiên nhất là an toàn bởi miễn dịch cộng đồng.

Nhấn mạnh doanh nghiệp sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính là thách thức lớn, ông Linh chia sẻ doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực để có thể hoạt động mạnh mẽ khi mở cửa trở lại, bởi họ đã bị ảnh hưởng quá nặng nề trước đó.

Trong thời kỳ dịch bệnh diễn ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vẫn chuẩn bị phương án đón khách du lịch quốc tế, quy trình xúc tiến sản phẩm du lịch trực tuyến. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, đề xuất phương án đón khách du lịch không chỉ phát triển kinh tế địa phương mà còn tăng năng lực cạnh tranh cho điểm đến.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ VHTTDL sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách và người dân, quy trình dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, nguyên tắc 5K.

 

 

Lan Hương
Theo vnexpress.net