Ảnh minh họa.  

"Xe ô tô khách thành phố" được quy định để phù hợp với kinh doanh vận tải bằng xe buýt

Mới đây, trên một số trang mạng, báo chí có nêu vấn đề tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất đổi tên "xe buýt" thành " xe ô tô khách thành phố’. Thông tin này, đã khiến cho dư luận có những ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV vào sáng 9/10, ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT, đơn vị soạn thảo dự Luật) khẳng định, không có chuyện đổi tên "xe buýt" thành "xe ô tô khách thành phố".

Đại diện Bộ cũng chỉ rõ, việc đặt vấn đề Bộ GTVT đề xuất đổi tên "xe buýt" thành "xe ô tô khách thành phố" là cách hiểu chưa thực sự chính xác, nhận định còn thiếu khách quan.

Theo đại diện Bộ lý giải, tại Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 đã có quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 5 loại hình:

Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; Kinh doanh vận tải khách du lịch.

Trong đó, định nghĩa "vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định".

Tuy nhiên, trong Luật GTĐB 2008 không quy định rõ về tiêu chuẩn loại hình phương tiện phù hợp để vận chuyển khách theo hình thức vận tải xe buýt mà chỉ được xác định tại các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan.

Điều đó dẫn đến việc thiếu tính thống nhất và chặt chẽ, không đảm bảo nguyên lý: "Quy định kinh doanh vận tải có mối quan hệ cơ học với quy định về loại hình phương tiện phù hợp, tương ứng".

Đại diện Bộ nêu rõ, tại Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi lần này, nhằm nâng cao hiệu quả, tính thống nhất và khoa học trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia các dịch vụ vận tải bằng xe ô tô, Bộ GTVT đưa ra đề xuất chỉ quy định các loại hình kinh doanh như sau: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt; Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; Loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới (nếu có).

Để định nghĩa rõ loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt, tại khoảng 6 Điều 60 Dự thảo Luật quy định:

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách gồm:

a) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt liên tỉnh là việc sử dụng xe ô tô chở khách để vận chuyển hành khách với hành trình, lịch trình nhất định, xuất phát và kết thúc tại bến xe khách;

b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đô thị là việc sử dụng xe ô tô khách thành phố để vận chuyển hành khách với hành trình, lịch trình nhất định, xuất phát và kết thúc tại điểm đầu, điểm cuối nằm trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh.

"Như vậy, cụm từ "kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đô thị" được xác định là một loại hình kinh doanh vận tải, không hề thay đổi so với trước đây. Cụm từ "ô tô khách thành phố" là loại hình phương tiện được quy định cụ thể nhằm phù hợp với loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt", đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Khái niệm "ô tô khách thành phố" là thuật ngữ đã được quy định từ năm 2003

Đại diện Bộ cũng cho rằng, khái niệm "ô tô khách thành phố" là thuật ngữ đã được quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN6211:2003 năm 2003 về Phương tiện giao thông đường bộ - kiểu – thuật ngữ và định nghĩa.

Trong đó, "ô tô khách thành phố" là xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 10 người trở lên, kể cả người lái; Trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng; Có kết cấu và trang bị để vận chuyển hành khách trong thành phố và vùng lân cận, cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên".

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố (QCVN 10:2015).

"Việc quy định rõ về quy chuẩn phương tiện cho loại hình kinh doanh vận tải bằng xe buýt nhằm đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này không thay đổi mọi định nghĩa trước đây như một số thông tin đã bình luận, nhận định", đại diện Bộ chỉ rõ.

Đại diện Bộ GTVT nêu rõ, Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vẫn đang được Bộ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện và rất mong được tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp vô cùng quan trọng, giá trị của các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân, các nhà khoa học, báo chí để có thể hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, ban hành.

Theo Pháp luật và Bạn đọc