Nửa đầu năm, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
6 tháng đầu năm, ba lĩnh vực then chốt gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đều ghi nhận mức tăng cao hơn cùng kỳ 2024. Một số chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt kế hoạch năm như: xuất khẩu 5 tháng tăng 14% (so với kịch bản trên 10%); doanh thu thương mại điện tử tăng hơn 19%; sản xuất công nghiệp tăng 8,8% (cùng kỳ năm ngoái đạt 7,1%); quy mô thị trường nội địa tăng 9,7% (so với mức 8,8% cùng kỳ năm trước).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá: “Các chỉ số sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, tiêu dùng đều bám sát và vượt kịch bản đã đề ra, phản ánh xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế.”
Sản xuất công nghiệp giữ đà tăng mạnh
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm ước tăng 8,8% so với cùng kỳ. Ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10%.
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp tục tăng trưởng ấn tượng: ô tô tăng 70,3%; tivi tăng 25,6%; LPG tăng 21,7%; phân bón NPK tăng 18,8%; quần áo thường tăng 14,6%; thép cán tăng 13,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,4%; xi măng tăng 12,9%; thép thanh, thép góc tăng 11,7%; giày dép da tăng 11,5%; đường kính tăng 10,9%...
Xuất nhập khẩu và bán lẻ tiếp tục khởi sắc
Hoạt động xuất nhập khẩu duy trì xu hướng tăng mạnh. Tổng kim ngạch 5 tháng đạt 355,79 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 14%, nhập khẩu tăng 17,5%; xuất siêu 4,67 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa ước đạt 180,23 tỷ USD, riêng khu vực FDI đóng góp 72,5%. Các nhóm hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến đều tăng hai con số, đáng chú ý giá xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng cao dù sản lượng giảm: cà phê tăng 62,3% kim ngạch, hồ tiêu tăng 40,5%, cao su tăng 21,7%, điều nhân tăng 19,4%.
Xuất khẩu dệt may ước đạt 15,06 tỷ USD (tăng 12%), giày dép đạt 9,75 tỷ USD (tăng 11,5%), máy vi tính và linh kiện đạt 38,4 tỷ USD (tăng gần 40%).
Nhập khẩu 5 tháng đạt 175,56 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ, tập trung ở 29 mặt hàng trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2,85 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%). Một số địa phương tăng khá như TP.HCM tăng 8,6%, Hải Phòng 8,4%, Cần Thơ 7,7%, Hà Nội 7,5%, Đà Nẵng 7,4%.
Cẩn trọng rủi ro, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô
Dù nhiều chỉ tiêu khả quan, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh những thách thức lớn từ biến động giá cả thế giới, xung đột địa chính trị và chính sách thương mại của các nền kinh tế lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: “Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên theo Nghị quyết 25/NQ-CP vẫn có cơ sở, nếu tiếp tục giữ vững đà phục hồi này trong 6 tháng cuối năm.”
Triển khai đồng bộ các định hướng chiến lược
Để đạt chỉ tiêu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01, 02 và 25 của Chính phủ. Đồng thời, tập trung triển khai các định hướng “bộ tứ chiến lược” mà Bộ Chính trị đã nêu gồm: phát triển khoa học - công nghệ, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác pháp luật, và phát triển kinh tế tư nhân.
Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo đà vững chắc giúp kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, linh hoạt thích ứng trước các rủi ro và biến động toàn cầu.