Sự kiện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong đó có một số doanh nhân tiêu biểu gắn bó và đóng góp tích cực cho các phong trào của Hội vinh dự tiếp kiến đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với hoạt động của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Tuy là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại rất lớn, rất vĩ đại"

Tại sự kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá, qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn để làm tốt vai trò của mình trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ các quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền. Hiệp hội cũng đã phát triển mạng lưới mạnh mẽ và tham gia tích cực vào chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, tham gia vào thị trường,…

Ảnh minh họa
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển.

"Với số lượng chiếm đa số trên cả nước (trên 98%), doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, quyết định hằng ngày đến đời sống nhân dân. Xã hội muốn phát triển cũng không thể thiếu được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Ngoài ra, vào ngày 10/10/2023, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây chính là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới".

“Tuy là cộng động doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại rất lớn, rất vĩ đại”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, đặc biệt là hậu quả của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu đến nay vẫn còn rất nặng nề. Mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt được thời cơ, lợi thế để bứt phá, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đang căng mình với những khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Cho rằng tuy còn nhiều điều cần phải tiếp tục quan tâm, hoàn thiện về khuôn khổ chính sách, sự chung tay của các cấp, các ngành, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định luôn trân trọng và ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nền kinh tế nước nhà.

Nguồn động viên to lớn dành cho cộng đồng doanh nghiệp

TS.Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
TS.Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thay mặt đoàn Hiệp hội, TS.Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Trong không khí hân hoan toàn quốc hướng về kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9, lần đầu tiên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu ưu tú đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước và tập thể Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đây là niềm vui, niềm vinh dự đặc biệt lớn lao và là nguồn động viên to lớn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dành cho cộng đồng doanh nghiệp, đem lại nhiều kỳ vọng mới đối với chúng tôi".

TS. Nguyễn Văn Thân cũng bày tỏ sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã luôn quan tâm, định hướng và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của mình.

Cũng tại sự kiện, TS. Nguyễn Văn Thân đã báo cáo kết quả hoạt động của Hiệp hội trong thời gian vừa qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp liên quan đến công tác Hội:

Thứ nhất, kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo sớm nghiên cứu và ban hành Luật về Hội/Hiệp hội để củng cố hành lang pháp lý vững chắc cho các tổ chức đại diện doanh nghiệp, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thứ hai, kiến nghị Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội để nghiên cứu, sửa đổi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, sớm đưa Luật vào cuộc sống.

Thứ ba, kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trụ sở làm việc trên tinh thần cho thuê với mức giá ưu đãi để củng cố hình ảnh của một tổ chức đại diện cấp quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nơi quy tụ và đóng góp hiệu quả hơn nữa cho đất nước, xã hội.

Thứ tư, kiến nghị Đảng và Nhà nước sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành kế hoạch, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam
Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam.

Tiếp lời của TS.Nguyễn Văn Thân, ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, kiêm Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam cũng đã bày tỏ niềm vinh dự khi được tiếp kiến đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

"Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào các định hướng đúng đắn, được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội”, ông Hùng cho biết.

Với cương vị Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam, ông Hùng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành công cụ thiết yếu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Để đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế số, ông Hùng đề xuất 3 giải pháp chính, thứ nhất là thúc đẩy các mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực chuyển đổi số thay vì chỉ dành cho lĩnh vực giáo dục. Thứ hai, cần mở rộng các chính sách hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực chuyển đổi số, tăng cường mở rộng các kênh kết nối tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ ba là thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đào tạo, truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp

Nhân dịp sự kiện đặc biệt này, một số doanh nhân tiêu biểu gắn bó và đóng góp tích cực cho các phong trào của Hội đã có dịp đề đạt ý kiến và đưa ra một số kiến nghị đến đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ông Lê Nguyên Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Luật LHLEGAL:
Ông Lê Nguyên Hòa - Giám đốc Công ty luật TNHH LHLEGAL.

Ông Lê Nguyên Hòa - Giám đốc Công ty luật TNHH LHLEGAL: 

Đại diện Công ty luật TNHH LHLEGAL xin có một số kiến nghị được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm như sau. Thứ nhất, để Nghị quyết 41 thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, cần cụ thể hóa thêm các chính sách, hành lang pháp lý. Việc bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế là rất cần thiết, để giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Thứ hai, về vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng được doanh nghiệp đánh giá là có sự cải thiện. Tuy nhiên, mặc dù có những nỗ lực cải cách, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả. Để khắc phục, cần có sự điều chỉnh trong quy định pháp luật, đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách nhà nước để phát triển cộng đồng doanh nhân. Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn và thị trường. Chính phủ cũng cần thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật số, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ông Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long:
Ông Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long.

Ông Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long:

Một trong những dự án đầu tư mà công ty đang vướng mắc là mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Mỏ được phát hiện từ năm 1960 và đã được nhiều tập đoàn uy tín cao, chuyên sâu về mỏ và luyện kim nghiên cứu. Tháng 3/2006, mỏ đã đủ mọi điều kiện để đưa vào khai thác, các chất độc hại đều nằm dưới ngưỡng cho phép.

Thực hiện theo chỉ đạo tại Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 72-TB/TW ngày 09/05/2007, Công ty CP Sắt Thạch Khê được thành lập để thực hiện Dự án nêu trên. Về thủ tục pháp lý, đã thực hiện đầy đủ theo Luật đầu tư và Luật khoáng sản Việt Nam.

Quá trình phê duyệt, Dự án được sự đồng thuận rất cao của lãnh đạo, nhân dân Hà Tĩnh và các bộ ban ngành liên quan. Tuy nhiên hiện nay, Công ty vẫn chưa được triển khai Dự án, lý do đưa ra đề nghị dừng Dự án là không có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Là một nhà đầu tư tại dự án mỏ sắt Thạch Khê, Công ty CP Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long kính mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp để Dự án mỏ sắt Thạch Khê được khởi động trở lại.

Ông Hà Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Pramac:

Nhận thức khó khăn còn tồn tại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Công ty Cổ phần Pramac xin đưa ra một số kiến nghị:

Thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Cần xây dựng trang thông tin điện tử cập nhật đầy đủ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, bao gồm trợ giúp thuế, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, và chính sách khoa học công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng.

Phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực hàng năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua điều tra, khảo sát nhu cầu. Đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, kết hợp đầu tư phát triển dạy nghề, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng lao động kỹ thuật.

Nâng cao năng lực hội nhập: Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), và các Hiệp định thương mại tự do tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy sản xuất theo cụm, liên kết trong chuỗi ngành hàng để tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà nước cần hỗ trợ đổi mới công nghệ trong các cụm công nghiệp và vườn ươm. Các hiệp hội, ngành hàng nên tổ chức khảo sát thị trường nước ngoài, giúp doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu, đồng thời đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Nam Thiều – CT HĐQT Tập đoàn Discovery
Ông Nguyễn Nam Thiều – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Discovery.

Ông Nguyễn Nam Thiều – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Discovery:

Để thúc đẩy phát triển cho ngành Bán dẫn, Tập đoàn Discovery mong  muốn: Nhà nước phát triển hạ tầng cho ngành bán dẫn – khả năng phát triển bán dẫn phụ thuộc vào việc phụ thuộc một mạng lưới cơ sở hạ tầng hiệu quả và toàn diện, cần phải ít nhất ngang bằng với các đối thủ trong khu vực;

Phát triển năng lực bản địa – để bước vào giai đoạn trưởng thành của ngành bán dẫn, Việt Nam phải chuyển từ vị thế là công xưởng và địa điểm giá rẻ thành một quốc gia có khả năng bản địa mạnh, bắt đầu từ việc hỗ trợ phát triển các công ty bản địa mạnh mẽ tham gia vào ngành;

Xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện vì một hệ sinh thái toàn diện sẽ là giải pháp tối ưu để liên kết toàn bộ ngành bán dẫn với nhau, cho phép chuyển giao kiến thức và công nghệ giữa các bên liên quan. Hệ sinh thái sẽ không chỉ bao gồm các tập đoàn nước ngoài, mà cũng sẽ bao gồm các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, các trường đại học dẫn đầu ngành, và các trung tâm đổi mới phát triển công nghệ.

Bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Kim Oanh
Bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Kim Oanh.

Bà Đặng Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Kim Oanh:

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ xây dựng 1 triệu căn nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Kim Oanh Group đã mạnh dạn phát triển mô hình nhà ở xã hội chuẩn Singapore tại Việt Nam.

Kim Oanh Group mong rằng, trong thời gian tới, các cấp quản lý sẽ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. 

Về xây dựng nhà ở xã hội, Nhà nước cần nghiên cứu giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn, nhất là nghiên cứu giải ngân gói 120.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gói vay cho người mua nhà là quan trọng nhất. Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho người mua vay với lãi suất 4,8%/năm theo hợp đồng xuyên suốt nhưng mới đây lại đột ngột gửi thông báo tăng lãi suất lên 6,6%/năm khiến người nghèo lo lắng. Trong khi đó, hiện nay Vietcombank đang cho vay thương mại lãi suất chỉ có 6%. Do đó, nếu Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất 6,6%/năm là rất bất hợp lý.

Những năm qua, các doanh nghiệp đã hết sức khó khăn nhưng vẫn nỗ lực gồng mình chăm lo cho nhân viên và đóng góp cho xã hội. Theo luật, doanh nghiệp có thể xin trả chậm thuế và sẽ phải trả lãi suất 0,3%/ngày, tính ra là hơn 10%/năm mà doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Trong khi đó, lãi suất hiện nay của ngân hàng còn thấp hơn mức 10% nhưng doanh nghiệp cũng không vay được, mặc dù có tài sản thế chấp cho ngân hàng. Thực tế, có những doanh nghiệp tổng số thuế là 1.600 tỷ đồng, họ đã đóng 85%, còn lại 15% vẫn đang trả dần theo quý nhưng cơ quan thuế vẫn liên tục phát văn bản thu giấy phép kinh doanh, khóa hóa đơn và cấm xuất cảnh. Đây là cách làm chưa hợp lý và ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hợp tác với nước ngoài.

Tiếp tục kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào Hội

Lắng nghe được hết nguyện vọng của đại diện Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động và phong trào Hội. Đồng thời cần có nhiều nội dung, phương thức tổ chức sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, hạn chế trong điều kiện hoạt động đặc thù của Hội; hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2023-2028 của Hiệp hội đề ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hiệp hội thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, tăng cường đoàn kết thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp, phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện cấp quốc gia, thực sự là nơi tập hợp, lan tỏa, nuôi dưỡng sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hoạt động của Hiệp hội phải tập trung vào mục tiêu ưu tiên, mang lại hiệu quả rõ ràng, thiết thực đối với hội viên, đó cũng là nền tảng để Hiệp hội có thể mở rộng sự tham gia của hội viên; đồng thời nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục. Cùng với đó, cần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ; nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, sản phẩm; chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các Hiệp định FTA đang mở ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, Hiệp hội phải là nơi định hướng hoạt động của doanh nghiệp thành viên, tuyệt đối tuân thủ luật pháp, thực hành chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Đồng thời nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo dựng uy tín, vị thế cho doanh nghiệp, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia, đất nước.

Khẳng định đất nước sau gần 40 năm đổi mới đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới to lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm kinh tế tốt, mà còn làm tốt cả công tác chính trị tư tưởng đối với đội ngũ doanh nghiệp để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự, trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân; đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành trọng trách của mình. Các doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn cho cuộc sống người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm nên tính ưu việt của doanh nghiệp Việt Nam.

Bảo Bảo