Ngành bán lẻ Việt Nam đã có những thay đổi lớn bởi đại dịch Covid-19, nhiều chuỗi kinh doanh đã phải đóng cửa nhưng cũng có nhiều đơn vị vẫn đang mở rộng hoạt động. Theo khảo sát của Vietnam Report, hoạt động mua sắm trực tiếp giảm trong đại dịch nhưng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến lại có tín hiệu tích cực.
Các nhà bán lẻ tại Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt hành vi người tiêu dùng khi khai thác sâu các kênh trực tuyến, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ diễn ra mạnh mẽ. Vietnam Report đánh giá siêu thị mini chính là xu hướng phát triển của ngành bán lẻ hiện đại nhờ có các vị trí thuận lợi, tối ưu chi phí và hạn chế đông người.
Các "ông lớn" bán lẻ trên sàn chứng khoán như cũng có những thay đổi đáng kể trong 9 tháng đầu năm. Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vẫn thực hiện chuyển đổi nhiều siêu thị Thế Giới Di Động sang Điện Máy Xanh từ 2018 đến nay, trong khi đó chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh phát triển liên tục để trở thành động lực tăng trưởng mới. FPT Retail (HoSE: FRT) cũng không gia tăng lượng cửa hàng FPT Shop mà tập trung phát triển nhiều hơn cho chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Chuỗi bán lẻ của Masan Group (HoSE: MSN) là VinCommerce đã mạnh tay đóng cửa 433 cửa hàng (VinMart, VinMart+) yếu kém trong 9 tháng, trong khi chỉ mở mới 57 địa điểm kinh doanh, nhằm mục tiêu hòa vốn EBITDA vào cuối năm nay. Vàng bạc Phú Nhuận (HoSE: PNJ) gặp khó khăn trong đại dịch khi quy mô chuỗi bán trang sức bị thu hẹp về 340 địa điểm, ngược lại chuỗi đồng hồ PNJ Watch lại tăng nhanh lên 53 cửa hàng.
Thêm "ông lớn" Nhật nhảy vào ngành bán lẻ Việt Nam: Mở cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á diện tích 2.000m2, đặt cả nhà máy sản xuất để gia tăng hiệu suất kinh doanh
Lan Điền
Theo Người đồng hành