Chỉ thấy tăng chứ không thấy giảm 

Khi giá xăng dầu tăng mạnh, giá cả hàng hoá và dịch vụ lập tức tăng theo. Từ mớ rau, con cá, củ hành, củ tỏi cho đến chai dầu ăn, gói mì tôm hay bát bún, tô phở… đều ồ ạt điều chỉnh giá bán với lý do “giá xăng dầu tăng”. 

Nhưng ở 3 kỳ điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu đã giảm mạnh. Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống mức 25.070 đồng/lít, xăng RON95 giảm còn 26.070 đồng/lít, dầu Diesel giá 24.850 đồng/lít. Tức so mức giá đỉnh ở kỳ điều chỉnh ngày 21/6, giá xăng dầu đã giảm 20,7-25,6% tuỳ loại. 

Song, trái với mong đợi của nhiều người tiêu dùng, đến nay hầu hết các mặt hàng vẫn neo cao, nhất quyết không chịu giảm theo giá xăng dầu.

Chị Đoàn Thị Hải ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở, thời điểm tháng 5 và đầu tháng 6 đi chợ hay vào siêu thị mua hàng, câu chị hay được nghe nhất là “giá xăng tăng nên giá hàng hoá phải tăng theo”. Còn nay, giá xăng đã giảm khoảng 7.000 đồng/lít vậy mà người bán không hề đề cập đến chuyện giảm giá. Hỏi thì họ viện đủ lý do chờ giá cước vận chuyển giảm, chờ nhà cung cấp giảm,…

Giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá hàng hoá vẫn chưa có dấu hiệu giảm (ảnh: Hoàng Hà)

Anh Nguyễn Văn Việt - đầu mối bán sỉ trái cây ở Cần Thơ, cho biết, từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 6/2022, giá xăng dầu tăng liên tục và lập đỉnh lịch sử, cước vận chuyển hàng nông sản đi xe thường (không phải xe lạnh) từ Cần Thơ ra Hà Nội tăng gần 50%. Mỗi lần anh gửi hàng ra Hà Nội cho khách sỉ lên tới đầu tấn. Theo đó, 1kg trái cây giá cước hết 3.500 đồng, còn nếu muốn hàng được vận chuyển đảm bảo thì giá 5.000 đồng/kg. 

Nay giá xăng dầu đã 3 kỳ liên tiếp điều chỉnh giảm mạnh, nhà xe vẫn giữ nguyên giá cước vận chuyển, không chịu giảm.

“Bị áp giá cước cao hay thấp, dân buôn như tôi đều chấp nhận chứ không có lựa chọn khác. Mức giá này sẽ được tính vào giá sản phẩm. Do vậy, người chịu thiệt cuối cùng là người tiêu dùng”, anh chia sẻ.

Chị Ngô Hoài Thương - chủ quán phở ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) - thừa nhận, giá tăng thì dễ nhưng điều chỉnh giảm rất khó. Như dịp giá xăng tăng, phở được điều chỉnh tăng thêm từ 5.000-15.000 đồng/bát tuỳ loại, lên mức 40.000-65.000 đồng/bát. 

Khi đó, các loại nguyên liệu chị nhập vào đều tăng nên giá mỗi bát phở được điều chỉnh theo mức tương ứng. Nay giá xăng đã giảm, các mối sỉ nguyên liệu vẫn neo giá cũ, thành ra chị cũng phải chờ, chưa thể giảm giá ngay.

Siêu thị đang chờ đàm phán

Trao đổi với PV. VietNamNet về vấn đề điều chỉnh giá hàng hoá theo giá xăng dầu, đại diện WinCommerce (đơn vị sở hữuWinMart/WinMart+) cho biết, trong suốt giai đoạn giá xăng tăng mạnh, phía doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều giải pháp kìm giá như đàm phán với các nhà cung cấp để giữ giá cả hàng hóa ổn định, ít biến động. 

“Hiện, chúng tôi vẫn theo sát tình hình giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giảm giá các mặt hàng”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để hỗ trợ người tiêu dùng (ảnh: Hoàng Hà)

Song đến thời điểm này, chưa nhiều nhà cung cấp điều chỉnh giảm giá kịp thời theo giá xăng, điều này có thể lý giải do việc thay đổi áp dụng giá xăng mỗi tháng 2 kỳ nên giá cả thị trường, biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh, tức là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực tính toán lại chi phí để áp dụng lên giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa. 

Để chia sẻ với người tiêu dùng trong giai đoạn này, WinCommerce thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại. Khách hàng mua sắm vào bất cứ thời gian nào cũng có thể lựa chọn hàng trăm mặt hàng thiết yếu với giá tốt. Ngoài ra, các sản phẩm nhãn hàng riêng của hệ thống siêu thị này giá thành đều rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường, vị đại diện cho hay.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, hệ thống bán lẻ này cũng đang thảo luận với các nhà cung cấp để xem xét có thể nhanh chóng điều chỉnh giảm giá với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu hay không. Cùng với đó, doanh nghiệp đang thực hiện chương trình khuyến mãi tại siêu thị GO!, Big C dành cho người tiêu dùng tất cả các mặt hàng thịt tươi, cá tươi, rau củ quả,...

Theo bà Vân, các chương trình giảm giá thịt lợn, và các mặt hàng thiết yếu được áp dụng trong bối cảnh lạm phát tăng nhận được sự quan tâm mua sắm của người tiêu dùng trên cả nước. 

Một số hệ thống siêu thị khác cho hay, họ cũng chưa nhận được văn bản thông báo giảm giá nào từ phía nhà cung cấp dù giá xăng dầu đã giảm mạnh. Tất cả vẫn còn nghe ngóng tín hiệu từ giá xăng dầu. Trước mắt, các siêu thị chạy nhiều chương trình khuyến mãi tập trung vào hàng thiết yếu, trong đó phần lớn là lương thực thực phẩm nhằm bình ổn giá, chia sẻ bớt gánh nặng với người tiêu dùng. 

Tâm An
Theo vietnamnet