Hà Nội đang có hàng trăm chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, số khu chung cư (chủ đầu tư hay người dân) đã mua bảo hiểm cháy nổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, những sự cố liên quan cháy nổ để lại hậu quả khá nghiêm trọng vẫn diễn ra ngày càng nhiều.

Gần đây nhất, vụ cháy xảy ra lúc 12h30 ngày 20/11 tại căn hộ tại tòa nhà S1 tổ hợp chung cư Goldmark City (136, Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) để lại hậu quả nặng nề cho chủ nhà. Căn hộ xảy ra cháy rộng hơn 100 m2, nhiều đồ đạc bị thiêu rụi, hệ thống điều hòa ở ngoài hành lang cháy đen.

Vào tối 8/11, một vụ cháy xảy ra tại tòa nhà chung cư cao cấp ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhiều cư dân phải di chuyển xuống đất trong cả đêm...

Trước đó, liên tiếp các vụ cháy chung cư ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM gây thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, khi được hỏi về bảo hiểm cháy nổ, không ít đơn vị chủ sở hữu, quản lý nhà chung cư dù biết nhưng phớt lờ. Họ cho rằng, các tòa nhà đã được chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần xây dựng (phần khung của tòa nhà) nên phần diện tích trong khu nhà người dân phải tự mua. Trong khi đó, người dân thì tỏ ra khá thờ ơ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, đang sống tại Khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, tại các khu chung cư, hỏa hoạn xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhiều gia đình nên hậu quả rất khó lường. Song, trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về chủ đầu tư, vì tiền bảo hiểm đã được tính trong giá bán nhà. Hơn nữa, người dân đã phải nộp phí bảo trì nên chủ đầu tư có thể trích một phần để mua bảo hiểm cho các căn hộ.

Chị Thanh Ngà (chung cư Green Bay, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, các hộ dân bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ theo yêu cầu của chủ đầu tư. Nếu không mua, chủ đầu tư sẽ nhắc. Mỗi năm, chị Ngà mất hơn 2 triệu đồng mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ của mình.

Quy định có nhưng khó xử phạt

Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) cho rằng, theo quy định, các chủ thể nhà chung cư phải mua bảo hiểm cho cả tòa nhà và các công trình, thiết bị kèm theo. Vì vậy, những công trình có nguy cơ cháy nổ, chủ sở hữu của nó không mua bảo hiểm hoặc mua không đầy đủ như trên sẽ bị xử phạt. Nhưng thực tế lực lượng chức năng khó xác định được đối tượng bị xử phạt. Ban quản trị tòa chung cư chỉ là người được cư dân bầu ra và nhận ủy quyền của các chủ sở hữu trong tòa nhà để thương thảo hợp đồng và mua bảo hiểm.

Nhiều người dân lập luận rằng, từng căn hộ thì không thuộc đối tượng mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Theo thượng tá Việt, điểm mới của Nghị định 23 (2018) với các văn bản trước là kiên định nguyên tắc bán bảo hiểm phải đúng quy định, nếu bán sai bị xử lý.

Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội cũng nêu rõ, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m2 trở lên chủ sở hữu phải tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung được phân bổ tương ứng với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu.

Luật sư Nguyễn Văn Đãng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành nhà chung cư có trách nhiệm phân bổ và công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Theo quy định hiện hành, với nhà tập thể, nhà chung cư hoặc trong cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thuê mua, các đối tượng này phải có trách nhiệm trực tiếp mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc hoặc nộp tiền mua bảo hiểm cho người đại diện quản lý chung cư đó.

Nghị định 52 (2012) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC ghi rõ, cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua hoặc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc theo biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngọc Mai
Theo Tiền phong