Với nhiều cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia, dữ liệu công dân, các nhà lập pháp Mỹ đã cố gắng ngăn chặn nền tảng mạng video ngắn TikTok và buộc công ty mẹ Byte Dance thoái vốn khỏi chi nhánh TikTok Mỹ.
Bất chấp nhiều cản trở pháp lý, TikTok Shop vẫn từng ngày chiếm lấy tình cảm của người tiêu dùng “xứ cờ hoa”. Phân tích của Reuters về các mô hình chi tiêu được đo lường bằng dữ liệu từ Facteus cho thấy: Người dùng TikTok tại Mỹ đã chi rất nhiều tiền để mua hàng hóa từ nhiều nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop trong mùa mua sắm lễ hội này.
Báo cáo của nền tảng này cho hay, họ đã thu về 100 triệu đô la Mỹ trong ngày “Black Friday”. Trước đó, họ cho biết số lượng người mua hàng trên TikTok Shop hàng tháng đã tăng gần gấp ba lần, tiếp cận đến 170 triệu người Mỹ.
Giống như Shein và Temu - TikTok Shop phân phối hàng hóa từ các nhà cung cấp thứ ba, một số nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, cạnh tranh khốc liệt về giá. Mỗi nền tảng đều cố gắng thu hút nhiều người bán hàng ở Mỹ bằng mức phí thấp nhất để tiếp cận người tiêu dùng.
Cách vận hành của TikTok Shop tại Mỹ khá đơn giản. Những công ty bán hàng dựa vào sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để “chốt đơn”, sau đó hàng hóa trực tiếp vận chuyển đến tay khách hàng thông qua mạng lưới nội bộ do người Trung Quốc chi phối. TikTok Shop rất lôi cuốn người xem và thời gian giao hàng cũng nhanh hơn so với đối thủ Amazon.
Theo dữ liệu của Facteus từ 140 triệu thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của người tiêu dùng, chiếm 7% đến 10% tổng chi tiêu của người Mỹ, khối lượng giao dịch trên TikTok Shop đã vượt qua chi tiêu trên Shein và Temu trước dịp Cyber Monday - sự kiện giảm giá lớn nhất trong năm diễn ra vào ngày 2/12/2024.
Hồi đầu năm nay, TikTok đã công bố một báo cáo gây chú ý, rằng nền tảng này đã giúp các doanh nghiệp nhỏ tăng doanh số bán hàng lên gần 15 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, và đóng góp hơn 8 tỷ USD vào GDP của Mỹ năm 2022 thông qua hoạt động của chính mình.
Để lý giải cho hiện tượng TikTok Shop hoặc Shein và Temu, dĩ nhiên không thể so sánh về mặt công nghệ, sự khác biệt ở yếu tố chi phí lao động xã hội giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ.
Các nhà bán lẻ trực tuyến tại Mỹ không thể nào tiếp cận được nguồn hàng rẻ hơn đối thủ, bởi vì chi phí lao động tại Mỹ đã thuộc top cao nhất thế giới. Hơn thế nữa, hàng hóa của họ chủ yếu được cung cấp từ nhiều quốc gia, sắp tới sẽ tăng giá đáng kể nếu chính sách thuế nhập khẩu của ông Trump được thực thi.
Những thứ quan trọng nhất Amazon không làm được thì các nền tảng từ Trung Quốc đã giải quyết rất tốt. Hàng hóa rẻ từ nhà máy, mạng lưới phân phối chủ động khép kín từ không gian ảo đến tận tay người dùng.
Chính vì vậy, giờ đây TikTok đã trở thành một thế lực kỹ thuật số khổng lồ, là thị trường cốt yếu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không ai dám tin nền tảng này sẽ biến mất khỏi nước Mỹ.
Chris Mowrey, một người rất nổi tiếng trên mạng xã hội với 470.000 người theo dõi TikTok, nói rằng. “Người ta có lý do để lo ngại về mức độ thiệt hại kinh tế đối với các doanh nghiệp nhỏ và người sáng tạo nội dung nếu Tiktok bị cấm”.
Trương Khắc Trà