Chỉ 3 năm sau, cùng với quá trình tái cơ cấu Tập đoàn thành công, đạt tốc độ phát triển vượt bậc, mục tiêu đó của VNPT đang dần thành hiện thực.
Nhân sự chất lượng cao
Tư duy đổi mới của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trên thực tế đã bắt đầu từ những năm 2013-2014, khi đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực sáng tạo và đặc biệt là có kinh nghiệm thực tiễn được đưa lên các vị trí lãnh đạo cao nhất Tập đoàn. Không chỉ đổi mới tư duy về nhân sự, VNPT còn đổi mới về chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu toàn diện. Thay vì lao vào cuộc cạnh tranh sống còn ở thị trường viễn thông đã có dấu hiệu bão hoà, VNPT chuyển hướng đầu tư hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số.
Chỉ sau 5 năm, VNPT đã tái cơ cấu thành công, thay đổi toàn diện nhiều mặt quan trọng. Xoá bỏ bộ máy lạc hậu, trì trệ trước kia, VNPT tái cơ cấu toàn bộ nhân lực với quy trình tuyển chọn - sàng lọc - đào thải liên tục, tìm ra những cá nhân chuyên môn cao, tinh nhuệ, nhạy bén, đáp ứng được guồng xoáy thị trường. Không chỉ vậy, tư duy quản trị chiến lược, kinh doanh cũng liên tục đổi mới - từng bước vươn lên và khẳng định vị thế vững chắc là doanh nghiệp hàng đầu cung cấp các dịch vụ viễn thông - CNTT trọng yếu.
Lá cờ đầu
Khát vọng lớn, nỗ lực từng ngày cùng tầm nhìn đã giúp VNPT lựa chọn đúng hướng đi. Định hướng được Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra là phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030. Từ khát vọng này, VNPT xác định vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.
Trung tâm điều hành thông minh IOC TP Đà Lạt do VNPT xây dựng và phát triển
Sự chuyển mình mạnh mẽ của VNPT đã được tưởng thưởng xứng đáng, khi được Chính phủ gửi trọn niềm tin. Chỉ trong vòng 2 năm, VNPT liên tiếp được Chính phủ đặt hàng 3 hệ thống phần mềm lớn - nền móng xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay. Theo đó, cuối năm 2018, VNPT được giao nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia. Chỉ sau hơn 4 tháng, Trục hoàn thành đi vào hoạt động, đến nay đã có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính.
Sau thành công này, VNPT tiếp tục được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Ra mắt cuối năm 2019, chỉ sau 8 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã phát triển nhanh chóng từ 8 nhóm dịch vụ công ban đầu lên 1.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, ước tính chi phí tiết kiệm cho toàn xã hội tới hơn 6.700 tỉ đồng mỗi năm.
Mới nhất, hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được VNPT ra mắt. Hệ thống được coi là điểm nhấn quan trọng, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số - một trong những yếu tố cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Từ trung tâm, lãnh đạo Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo, điều hành trực tiếp, nhanh chóng tới các bộ, ngành, địa phương.
Thành công của 3 hệ thống phần mềm kiến tạo Chính phủ điện tử đã khẳng định nền tảng công nghệ nổi trội của VNPT - định hình vai trò dẫn đầu của tập đoàn trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
VNPT top 3 trong số 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Vươn ra thế giới
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, VNPT cũng tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái các giải pháp số (VNPT digital ecosystem) nhằm cung cấp đầy đủ nhu cầu số hàng ngày, từ giải trí đến tài chính, học tập, chăm sóc sức khoẻ… Kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu, VNPT đã từng bước kiện toàn lại công tác xây dựng chiến lược, cấu trúc, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung và dài hạn về mạng lưới, dịch vụ. Đến nay, VNPT không chỉ có mạng di động 3G/4G rộng khắp đến 96% quy mô dân số, mạng băng rộng cố định có tốc độ Internet số 1 Việt Nam mà còn đang sở hữu 2 trung tâm IDC tiêu chuẩn Tier 3 tại Nam Thăng Long và Tân Thuận, đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ nội bộ và cho khách hàng, đặc biệt là khối khách hàng chính quyền.
Không dừng ở đó, VNPT cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới, bao gồm AI, công nghệ Blockchain, IoT, Cyber Security... tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tiên phong trong công cuộc dẫn dắt chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam, và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á…
Ghi dấu cho việc hướng đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, VNPT vừa được vinh dự nhận 15 giải thưởng tại Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương 2020. Chỉ dấu quan trọng từ các giải thưởng quốc tế cũng cho thấy, định hướng phát triển thị trường bên ngoài Việt Nam được lãnh đạo VNPT lên kế hoạch từ nhiều năm trước đã đúng hướng. Đây là bước đệm quan trọng để VNPT từ vị thế dẫn đầu công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, tiến dần đến khai thác tiềm năng châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung, hiện thực hoá giấc mơ “vươn ra thế giới”.
Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 55 tỉnh/thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh. Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và đang xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh, thành phố. Hiện gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS; gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu…
Trường Thịnh
Theo Dân trí