Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một "kế hoạch khử trùng phòng ngừa toàn diện" đối với thực phẩm và thủy sản đông lạnh nhập khẩu sau khi nước này cho rằng đây là những nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 ở Thanh Đảo và Thiên Tân.

Thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các quy định mới.

Theo đó, chuỗi truy xuất nguồn gốc nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, xếp dỡ, lưu kho, buôn bán nội địa và xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ được kiểm tra. Tất cả sản phẩm thủy sản đông lạnh phải có báo cáo khử trùng và hun trùng cùng với các tài liệu truy xuất nguồn gốc trước khi được tiêu thụ.

Cán bộ phụ trách sẽ mở các container để kiểm tra tình trạng lô hàng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, thực phẩm đông lạnh sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, sản phẩm vẫn phải được khử trùng bên ngoài bao bì và container.

Công ty cung cấp dịch vụ cho thuê kho lạnh cần ghi lại số kẹp chì niêm phong của hàng hóa, container và cần lưu giữ những tài liệu này trong "ít nhất" 2 năm. Giấy chứng nhận khử trùng phải đi kèm với thực phẩm xuất xưởng từ cảng theo chuỗi cung ứng.

Liên quan đến các biện pháp siết chặt kiểm tra thuỷ sản nhập khẩu của Trung Quốc có tác động đến thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam hay không, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc nhập khẩu thuỷ sản từ rất nhiều nước, việc siết chặt nhập khẩu mặt hàng này để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 trước đó cũng đã được áp dụng tại nước này.

"Thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các quy định trên của Trung Quốc. Có chăng bị ảnh hưởng chút ít về thời gian thông quan hàng hoá do phát sinh thêm ở khâu kiểm tra đầu vào"- ông Trương Đình Hoè nhấn mạnh.

Xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019. Thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đang phục hồi tích cực nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Được coi là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực, qua hai tháng thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng khả quan. Số lượng đơn hàng đối với mặt hàng tôm đã tăng lên từ 10-15% so với cùng kỳ và hy vọng từ nay đến cuối năm, nhu cầu sẽ tăng cao so với năm trước.

Đáng chú ý, hiệu quả của hiệp định này được dự kiến kéo dài khi hiện, các nhà nhập khẩu đã quan tâm đến những mặt hàng có lộ trình giảm từ thuế từ 3 đến 5 năm để khởi động, xây dựng các chiến lược về vấn đề thâm nhập thị trường trong dài hạn sau khi hết lộ trình giảm thuế. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm tối đa đến các vấn đề chứng nhận quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn của EU nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội của Hiệp định này trong thời gian sắp tới.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU vẫn rất lớn.

Với xu hướng tăng trưởng được duy trì khá ổn định, dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,45 tỷ USD. Dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, song con số này chỉ giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.

Linh Nga
Theo Diễn đàn doanh nghiệp