Giá dầu diễn biến trái chiều

Giá dầu diễn biến trái chiều sau khi tăng trong tuần trước đó, do các hạn chế virus corona trên toàn cầu dấy lên mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu, trong khi đồng USD tăng mạnh cũng gây áp lực giá.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/1, dầu thô Brent giảm 33 US cent xuống 55,66 USD/thùng, hồi phục từ mức thấp 54,99 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1 US cent lên 52,25 USD/thùng.

Trong tuần trước, giá dầu Brent và WTI tăng khoảng 8%, được hỗ trợ bởi Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2021 và tháng 3/2021, như một phần của thỏa thuận đối với hầu hết các nước sản xuất OPEC+ để giữ sản lượng dầu ổn định.

Đồng USD tăng mạnh được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích, nhằm thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng gây áp lực giá dầu. Dầu thường được định giá bằng đồng USD, bởi vậy đồng USD tăng mạnh khiến giá dầu thô trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.

Các nhà phân tích cho biết, việc Saudi dự kiến cắt giảm sản lượng sẽ khiến thị trường dầu thiếu hụt trong năm 2021, ngay cả khi các hạn chế ảnh hưởng đến nhu cầu. Goldman Sachs dự kiến giá dầu Brent có thể tăng lên 65 USD/thùng vào mùa hè năm 2021, do Saudi cắt giảm sản lượng và việc chuyển giao quyền lực cho đảng Dân chủ tại Mỹ.

Giá khí tự nhiên cao nhất gần 3 tuần

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 2% lên mức cao nhất gần 3 tuần, sau dự báo nhiệt độ trong 2 tuần tới sẽ thấp hơn so với dự kiến.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York tăng 4,7 US cent tương đương 1,7% lên 2,747 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 22/12/2020.

Giá vàng thấp nhất 6 tuần, bạc thấp nhất gần 1 tháng

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần trong đầu phiên giao dịch, do đồng USD tăng và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng bởi kỳ vọng có thêm các biện pháp kích thích tài chính.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,1% xuống 1.846,61 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.816,53 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 2/12/2020, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn New York tăng 0,8% lên 1.850,8 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 3 tuần, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.

Giá bạc giảm 1,4% xuống 25,02 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 24,3 USD/ounce – thấp nhất gần 1 tháng.

Giá đồng giảm

Giá đồng giảm do các trường hợp nhiễm virus corona tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu, đồng thời đồng USD tăng mạnh và căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng cũng gây áp lực giá.

Giá đồng trên sàn London giảm 3,4% xuống 7.852 USD/tấn, trong phiên trước đó giá đồng đạt 8.238 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 4 năm (4.371 USD/tấn) trong tháng 3/2020, do các hạn chế virus corona ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Đồng USD tăng mạnh khiến kim loại mua bằng đồng USD trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Điều này có thể khiến nhu cầu giảm.

Giá sản phẩm thép, quặng sắt và than cốc đều giảm

Giá các sản phẩm thép tại Trung Quốc giảm, với thép không gỉ giảm do tồn trữ tăng tuần thứ 2 liên tiếp bởi nhu cầu mùa vụ giảm, trong khi các trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước này tăng cũng gây áp lực thị trường.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 2,8% xuống 4.348 CNY (671,56 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 4,2% xuống 4.458 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 5% xuống 13.930 CNY/tấn.

Đồng thời, trên sàn Đại Liên giá quặng sắt giảm 1,7% xuống 1.046 CNY/tấn và giá than cốc giảm 3,8% xuống 2.844 CNY/tấn.

Tính đến ngày 7/1/2021, tồn trữ kim loại công nghiệp tăng tuần thứ 2 liên tiếp, tăng 5% so với tuần trước đó, tồn trữ thép cây tăng 5%, công ty tư vấn Mysteel cho biết.

Giá cà phê giảm

Giá cà phê Arabica giảm do các hạn chế virus corona, làm gia tăng mối lo ngại về triển vọng nhu cầu, đồng thời đồng real Brazil suy yếu cũng gây áp lực giá.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 2,25 US cent tương đương 1,8% xuống 1,2145 USD/lb, trong đầu phiên chạm 1,191 USD/lb – thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2020.

Đồng thời, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 3 USD tương đương 0,2% xuống 1.315 USD/tấn.

Đồng real Brazil chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020 gây áp lực giá giảm.

Giá đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,07 US cent lên 15,67 US cent/lb, trong tuần trước đó giá đường thô tăng lên mức cao đỉnh điểm 16,33 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 5/2017.

Đồng thời, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 3,2 USD lên 437,9 USD/tấn.

Nguồn cung đường trong ngắn hạn thắt chặt bởi sản lượng đường tại Thái Lan giảm, cũng hỗ trợ giá đặc biệt là đường trắng.

Giá đậu tương, ngô và lúa mì đều giảm

Giá đậu tương tại Mỹ giảm từ mức cao nhất 6,5 năm, do mưa hỗ trợ cây trồng tại Nam Mỹ và các nhà đầu tư chờ đợi số liệu dự báo sản lượng cây trồng của chính phủ Mỹ.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 2-1/4 US cent xuống 13,72-1/2 USD/bushel, trong đầu phiên giao dịch đạt 13,88-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2014. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 4 US cent xuống 4,92-1/4 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 4 US cent xuống 6,34-3/4 USD/bushel.

Giá dầu cọ giảm hơn 1%

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm, do nhập khẩu của nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới trong tháng 12/2020 đạt mức cao kỷ lục.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 55 ringgit tương đương 1,4% xuống 3.775 ringgit (933,94 USD)/tấn.

Ủy ban dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, nhập khẩu dầu cọ của nước này trong tháng 12/2020 tăng gấp đôi lên mức cao kỷ lục. Nhập khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 12/2020 tăng 150% so với tháng trước đó lên 282.058 tấn. Đồng thời, nhập khẩu dầu cọ thô của Malaysia trong tháng 12/2020 tăng 176% so với tháng trước đó lên 120.337 tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/1

Minh Quân
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị