Nghiệp vụ bán khống và giao dịch T+0 nếu được áp dụng sẽ giúp thị trường cải thiện thanh khoản, dòng tiền đầu tư có cơ hội đạt hiệu quả cao hơn.

Các quỹ đầu tư, tổ chức lớn có thể giúp thị trường định giá đúng hơn tài sản khi thực hiện nghiệp vụ bán khống các cổ phiếu đã tăng quá cao, vượt xa giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Theo đó, mặt bằng thị giá cổ phiếu cũng như chỉ số chung của thị trường sẽ không quá lệch so với giá trị vốn có của nó.

Về mặt tích cực, hoạt động bán khống sẽ giúp đẩy các tài sản tài chính sớm về giá trị thực, giúp thị trường thanh lọc lại do yếu tố đầu cơ quá mức tài sản tạo nên sự chênh lệch thị giá và giá trị nội tại.

Trên thế giới, một số thương vụ bán khống đã đi vào lịch sử như chuyện xảy ra với đồng bảng Anh năm 1992, hay đồng bạt Thái năm 1997. Bên cạnh các tác động tích cực, thực tế cũng cho thấy, nghiệp vụ thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh như bán khống, T+0 tiềm ẩn nhiều hệ lụy cần lường trước, nhất là với nhà đầu tư đại chúng.

Thứ nhất, khi nhà đầu tư được giao dịch T+0 hay bán khống, biến động thị trường lớn sẽ dễ tác động tới tâm lý, cũng như hành động giao dịch mà không có thời gian suy nghĩ đủ.

Khi nhiều nhà đầu tư cùng một cách hành động sẽ dẫn tới việc thị trường biến dạng theo những phản ứng quá đà của đám đông.

Ðầu năm nay, khi thế giới đối diện với đại dịch Covid-19, nhà đầu tư trên nhiều TTCK đã phản ứng quá đà và đồng loạt, nhiều cơ quan quản lý phải ra quyết định cấm bán khống trong một thời gian nhất định để ổn định tâm lý thị trường.

Thứ hai, môi trường cho những tin đồn thất thiệt sẽ dễ gây nên sự hoảng loạn của đám đông hơn, khi mà các tin đồn được tung ra kết hợp với diễn biến ra cổ phiếu trong ngắn hạn dễ dẫn tới hành động bán theo xu hướng của đám đông nhà đầu tư. Thực tế này sẽ dễ tạo ra hiệu ứng domino trên thị trường.

Những quốc gia có TTCK phát triển hoặc hoạt động lâu năm đã lường trước tác động hai mặt của bán khống và giao dịch T+0, nên kiểm soát rất chặt.

Chẳng hạn, nhà đầu tư chỉ được bán khống nếu như vay, mượn được chứng khoán thật để bán; các hoạt động bán khống có liên quan tới tin đồn nằm trong tầm điều tra của nhà quản lý và các hành vi thao túng thị trường bị xử phạt rất nặng để răn đe tất cả các thành viên tham gia.

Ðể giảm tác động tiêu cực của giải pháp giao dịch T+0 tới xu hướng biến động lớn, một số TTCK quy định, việc giao dịch T+0 chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thỏa mãn những điều kiện nhất định, chẳng hạn tại Mỹ, giá trị danh mục của nhà đầu tư phải từ 25.000 USD trở lên.

Quy định như vậy nhằm giảm tình trạng nhà đầu tư đại chúng hành động theo đám đông, giao dịch không dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và đây là cái gốc của mất mát.

Bán khống và T+0 như “dao hai lưỡi” với cả người chơi và thị trường. Công cụ sẽ chỉ ích lợi với người biết sử dụng nó.

Tại Việt Nam, TTCK đã trải qua 20 năm định hình, nên các sản phẩm cần có sự hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của quốc tế. Dù cần thời gian để hoàn thiện pháp lý, nhưng với dự thảo trên, trong tương lai không xa, Việt Nam cũng sẽ có bán khống và T+0.

Công cụ mới sẽ giúp TTCK thêm điểm cộng trong đánh giá của nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhất là khối ngoại, cuộc đấu trí trên sàn cũng sẽ thú vị hơn khi tất cả các thành viên phải thông minh hơn, nhận diện và xử lý giao dịch nhanh hơn mới có thể tận dụng được cơ hội thị trường.

Nhưng với nhà đầu tư đại chúng thì sao? Ðể bắt kịp xu hướng của sản phẩm hiện đại, việc trang bị kiến thức để hiểu và dùng được sản phẩm cũng như kinh nghiệm bảo toàn vốn là điều đáng thực hiện trong giai đoạn vài tháng tới, để khi có sản phẩm mới, nhà đầu tư có thể tự tin gia nhập cuộc chơi này.

Theo baodautu.vn