“Nói không” với dự trữ thực phẩm trường kỳ

Ngay sau khi dịch Covid-19 quay trở lại thì nhiều siêu thị lớn đã “kích hoạt” các biện pháp chống dịch và lên kế hoạch cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm. 

Còn đối với người dân, mọi người vẫn luôn giữ trạng thái bình tĩnh trong việc mua sắm. Không có hiện tượng gom hàng hóa, nhu yếu phẩm để tích trữ dù tình hình dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp.

Các siêu thị lớn tại TPHCM có nguồn nhu yếu phẩm dồi dào, sẵn sàng phục vụ người dân. Ảnh: Thùy Dương

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại VinMart Thủ Đức (quận Thủ Đức), Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), BigC Tô Hiến Thành (quận 10), mặc dù dịch Covid-19 đã quay trở lại nhưng không khí mua sắm của người dân vẫn diễn ra ổn định, không có hiện tượng mua tích trữ nhiều hàng hóa.

Người dân chủ yếu mua các loại hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày như thịt, cá, rau củ, mì gói, thực phẩm đông lạnh… Khẩu trang và nước rửa tay cũng là những mặt hàng được người dân mua nhiều trong vài ngày qua.

Giá các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cho trẻ em và người lớn có giá từ 12.000 – 16.000 đồng/chiếc, mỗi bịch khẩu trang vải chứa 2-3 chiếc để người dân dễ dàng chọn lựa.

Gel rửa tay loại nhỏ từ 60-90ml có giá 24.000 – 25.000 đồng/chai. Gel rửa tay loại 235ml có giá 73.000 đồng/chai. Các sản phẩm chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Bà Trần Thị Lệ (ngụ quận 3) cho biết, hôm nay, bà luôn đeo khẩu trang khi vào siêu thị. Bà đi mua thịt heo, rau xanh và trái cây cho cả nhà dùng trong 3 ngày tới.

“Đợt trước gia đình tôi cũng đã trải qua giãn cách xã hội nên giờ mình cũng có chút kinh nghiệm. Trước tiên là mình phải bình tĩnh, sử dụng khẩu trang và nước rửa tay. Đi chợ hay siêu thị cũng không cần mua quá nhiều, chỉ cần đủ dùng trong vài ngày là được. Chợ và siêu thị không thiếu hàng hóa”, bà Lệ nói.

Người dân đi siêu thị chỉ mua hàng hóa đủ dùng trong vài ngày. Ảnh: Thanh Thanh

Chỉ vào thùng mì gói trong giỏ hàng, anh Nguyễn Thành Tuấn (ngụ quận 10) chia sẻ, anh mua thùng mì vì nhà hết mì gói, không phải mua mì về nhà để tích trữ.

“Trữ thực phẩm làm gì cho mệt, siêu thị ngày nào chẳng mở cửa. Ở TPHCM mình mua đồ ăn 24/24 được mà. Quan trọng là phải có ý thức phòng dịch khi đến nơi đông người và hạn chế tiếp xúc thôi. Tôi mua mì gói với ít thịt bò, chả lụa rồi về ngay chứ không ở lại siêu thị lâu”, anh Tuấn nói.

Hàng hóa dồi dào, sẵn sàng chống dịch

Theo đại diện hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+, ngay sau khi có sự xác nhận của Bộ Y tế về việc Covid-19 đã quay lại thì hơn 3.000 siêu thị, cửa hàng của hệ thống này đã yêu cầu nhân viên, khách hàng tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc và không tụ tập đông người…

Ngoài ra, siêu thị này cũng đã có kế hoạch cung cấp, đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm tới hết tháng 12/2020.

“Các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ luôn đảm bảo đủ số lượng hàng hóa thiết yếu đã cam kết với địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân”, đại diện hệ thống siêu thị nói.

Cũng theo đại diện siêu thị nói trên, nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ được cam kết không tăng giá bán và luôn có sẵn tại các điểm kinh doanh như: gạo, mì gói, rau, thịt heo, nước mắm, nước tương, nước tinh khiết…

Nhu yếu phẩm như mặt hàng gạo luôn đầy kệ các siêu thị. Ảnh: Thanh Thanh

“Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 2,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn và hơn 3 triệu đơn vị nước rửa tay các loại cho tới hết tháng 9/2020. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, chúng tôi sẽ xây dựng các kịch bản để cam kết đầy đủ hàng hóa, hỗ trợ phục vụ nhu cầu của người dân và phòng chống dịch bệnh”, đại diện VinMart và VinMart+ chia sẻ.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, đơn vị này cũng đã chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với dịch bệnh.

Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, do đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch nên đơn vị này đã có lộ trình rõ ràng cho việc dự trữ hàng hóa và có biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến cập nhật của dịch bệnh.

“Hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch đã được chúng tôi “kích hoạt”. Hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo trữ lượng an toàn. Đồng thời, lượng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, gel rửa tay…. cũng như các phương án nhân sự, phương án vận chuyển đều đã được sẵn sàng cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op trên cả nước”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, so với cao điểm dịch trước đây thì hiện nay, Saigon Co.op có bổ sung thêm phương án hàng hóa và phương án vận chuyển riêng biệt cho từng địa phương, từng khu vực. Hệ thống siêu thị này đang đặc biệt chú trọng các phương án vận chuyển hàng hóa và các biện pháp cách ly cho các siêu thị tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế và tiến tới các khu vực có siêu thị lân cận.

Khu vực TPHCM và các tỉnh thành có siêu thị Co.opmart đều được đặt trong trạng thái cảnh giác cao theo diễn biến dịch.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị này cũng đã được UBND thành phố giao nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng và tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh.

Sở Công Thương TPHCM cũng kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, thổi giá khẩu trang y tế, nước rửa tay nhằm gây bất ổn thị trường của các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sau đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận:

Người dân được kiểm tra thân nhiệt và phải rửa tay sát khuẩn trước khi vào VinMart Thủ Đức. Ảnh: Thanh Thanh
Người dân đi siêu thị luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Thanh Thanh
Quầy nước rửa tay liên tục có khách. Ảnh: Thùy Dương
Chai nước rửa tay loại nhỏ có giá từ 24.000 - 25.000 đồng/chai. Ảnh: Thanh Thanh
Khu vực bán khẩu trang vải kháng khuẩn của siêu thị. Ảnh: Thanh Thanh
Mỗi bao khẩu trang vải đạt chuẩn về chất lượng có giá từ 46.000 - 49.000 đồng/3 cái. Ảnh: Thanh Thanh
Nước rửa tay chất đầy kệ trong siêu thị Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) và có nhiều chủng loại phong phú cho người dân lựa chọn. Ảnh: Thùy Dương
Gạo không bao giờ thiếu trong siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Thanh Thanh
Người dân mua sắm hàng hóa vừa phải và không có hiện tượng tích trữ thực phẩm. Ảnh: Thanh Thanh
Nhân viên siêu thị và khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ảnh: Thùy Dương

Mới đây, UBND TPHCM cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu người dân không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, bên ngoài trường học, bệnh viện. Các quán bar, vũ trường, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cũng được yêu cầu tạm ngừng hoạt động từ 0h ngày 31/7 để phòng chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới. 

Ngoài ra, TPHCM cũng tạm ngưng tổ chức các sự kiện như lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo không cần thiết. Thành phố khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập đông người tại tiệc cưới, tang lễ…

Theo dân trí