Samsung bắt tay LG

Điều này đang đúng với “tình cảm” giữa Samsung và LG, hai “kẻ thù truyền kiếp” của nhau. Cả hai cũng cho thấy rằng, trong kinh doanh, việc hôm nay là đối thủ, mai trở thành đối tác có lẽ không là chuyện hy hữu…

Samsung và LG sẽ có sự hợp tác trong việc sản xuất TV.

Thực tế, việc Samsung và LG có ý định bắt tay nhau đã có từ khá lâu trước đây. Năm 2017, đối mặt với tình trạng khan hiếm tấm nền màn hình tinh thể lỏng (LCD), Samsung đã cố gắng mua màn hình từ công ty liên kết màn hình của LG, công ty do LG Electronics sở hữu phần lớn. Nhưng, khi đó LG đã không có ý định hợp tác cùng đối thủ truyền kiếp.

Tất nhiên là khi đó Samsung đành chấp nhận việc phải tăng cường công xuất từ nhánh màn hình của riêng mình để cung cấp màn hình thay thế. Kể từ đó, Samsung đã đôi lần bày tỏ sự thất vọng khi tìm kiếm sự hợp tác với đối thủ.

Nhưng, thời gian tới, những khách hàng ở ở Bắc Mỹ và châu Âu có thể sẽ xem TV của Samsung bằng màn hình của … LG. Bởi mới đây, nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới, có kế hoạch giới thiệu dòng TV mới sẽ sử dụng điốt phát sáng hữu cơ tiên tiến (OLED) được cung cấp bởi một chi nhánh màn hình của đối thủ LG Electronics, các nguồn tin và các nhà phân tích quen thuộc với vấn đề này cho biết. 

"Dựa trên cuộc điều tra nội bộ của chúng tôi trong chuỗi cung ứng TV của Samsung, Samsung Electronics gần đây đã hoàn thành kiểm tra chất lượng TV sử dụng tấm nền OLED do LG Display sản xuất và đưa LG Display vào hệ thống cung cấp của mình”, một nhà quản lý quỹ cấp cao tại một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết.

Neo QLED TV của Samsung.

Nhà quản lý cho biết thêm: "Phạm vi sẽ dao động trong khoảng từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấm kính. Về quy mô thương vụ ước tính, nếu Samsung chính thức ký hợp đồng với LG, con số này sẽ là khoảng một vài tỷ đô la Mỹ”.

Đại diện của Samsung Electronics và LG Display đều từ chối bình luận vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Nhưng, theo các nguồn tin cho thấy, quan hệ đối tác với LG cho thấy sự thay đổi chiến lược của Samsung về việc đa dạng hóa các kênh tìm nguồn cung ứng ngoài Samsung Display, vì các tấm nền LCD thông thường ngày càng đắt hơn nhiều. Ngoài ra, Samsung đang có xu hướng khám phá các lựa chọn thay thế mới ngoài màn hình LCD nhạy cảm về giá nhằm thu được lợi nhuận khi thị trường đi xuống.

Có thể nói, trong kinh doanh, cạnh tranh luôn là nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Nhiều cặp “đối thủ truyền kiếp” đã ra đời trong sự cạnh tranh khốc liệt với nhau, đơn cử như Coca Cola và Pepsi; Samsung và Apple hay là Nestlé với Friesland Campina. Họ lấy sự cạnh tranh để không ngừng cải thiện sản phẩm và xây dựng thương hiệu của mình.

Việc bắt tay với đối thủ để tăng cường khả năng kinh doanh là một chiến lược mới của Samsung.

Mặc dù vậy, những đối thủ cạnh tranh hầu như không có mối quan hệ hợp tác, dù có thể cùng lựa chọn một số nhà cung cấp. Nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch gần đây, các công ty buộc phải điều chỉnh mô hình và quan điểm hoạt động nếu không muốn tụt hậu. Khi đó, kể cả những đối thủ truyền kiếp cũng sẵn sàng bắt tay nhau để sinh tồn.

Trên thực tế, thuật ngữ hợp tác trong kinh doanh bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của Barry Nalebuff, một giáo sư tại Trường Quản lý Yale, và Adam M. Brandenburger, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của NYU. Hai người đã quan sát xu hướng này vào những năm 1990 và nhận thấy nó đặc biệt nổi bật trong số các công ty công nghệ.

Có lẽ không cần phải tìm kiếm đâu xa để tìm ra những ví dụ về sự hợp tác trong kinh doanh. Trong nhiều năm, Samsung đã là người sản xuất màn hình cho iPhone của Apple. Ngoài ra, sự hợp tác của Ford và Toyota, cả hai đã làm việc cùng nhau trên Atlas Ford F-150 hybrid.

Nhà máy LG tại Hải Phòng.

Và giờ đây, Samsung đang tiếp thị cái gọi là TV QD-OLED làm nổi bật công nghệ bóng đèn Micro LED tự phát xạ. Nhưng xét về năng suất sản xuất (tỷ lệ sai sót) và khối lượng cung ứng, Samsung Display vẫn chưa đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô. 

Trong khi đó, theo ước tính của công ty tư vấn chuỗi cung ứng màn hình (DSCC) đang theo dõi thị trường, LG Display có năng lực sản xuất 8 triệu tấm kính OLED hàng năm cho TV và là nhà cung cấp tấm nền OLED lớn nhất trên thế giới.

Chính vì vậy, một chuyên gia phân tích cho rằng: "Quyết định của Samsung trong việc sử dụng tấm nền OLED của LG là rất thông minh khi đứng trên quan điểm kinh doanh. Với nguồn cung hạn chế về tấm nền OLED của Samsung Display, Samsung cần có kế hoạch theo đuổi cách tiếp cận “nước đôi” cho mảng kinh doanh TV OLED của mình, nếu bắt tay với LG”.

NGUYỄN CHUẨN
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp