Trước những ý kiến về việc xây dựng thủy điện là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở tại Quảng Nam, VietNamNet có trao đổi với ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Thưa ông, nhiều ý kiến băn khoăn việc sạt lở liên tiếp trên địa bàn thời gian qua có liên quan đến việc xây dựng thủy điện ồ ạt. Hiện nay, Quảng Nam có bao nhiêu thủy điện đã và đang xây dựng sắp đi vào hoạt động?.

Tỉnh Quảng Nam có 46 dự thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.808 MW. Trong đó, 10 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất 1.205 MW và 36 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất hơn 603 MW.

Đến nay, đã có 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất hơn 1.273 MW. Trong đó, 9 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất thiết kế là 1.058MW và 13 dự án thủy điện vừa và nhỏ với công suất thiết kế hơn 215 MW.

Ngoài ra, 8 dự án thủy điện đang thi công với tổng công suất thiết kế hơn 319 MW và 16 dự án thủy điện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất thiết kế là 215 MW.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
 

Đối với 36 thủy điện vừa và nhỏ này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh họp và rà soát kỹ trước khi cấp phép. Quảng Nam đã loại bỏ 6 thủy điện nhỏ, so với kế hoạch là 42 thủy điện trước đây.

"Chúng tôi sẽ không đánh đổi môi trường để xây dựng thêm thủy điện"

Quy mô xây dựng thủy điện như vậy có vượt quy hoạch thưa ông? Tác động môi trường của các thủy điện trong hoạt động thực tế là như nào?.

Trong hơn 5 năm qua, Quảng Nam không cấp phép xây dựng cho thêm thủy điện nào, ngoài 46 thủy điện đã được phê duyệt.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến năm 2025, định hướng 2030 Quảng Nam sẽ là một tỉnh phát triển khá của cả nước. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị và là quyết tâm lớn của Đảng bộ tỉnh.

Tinh thần chủ đạo là lấy phát triển kinh tế bền vững làm xuyên suốt trong quá trình phát triển. Bền vững ở đây là nói đến ba trụ cột gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Ba trụ cột này phải hòa quyện với nhau, lấy kinh tế làm chủ đạo nhưng phải đồng thời bảo vệ các trụ cột khác. Xã hội phải giảm thiểu tác động xấu để người dân, mọi cộng đồng được hưởng lợi từ sự phát triển.

Quan điểm là phát triển bao trùm không để ai lại phía sau, cân đối các vùng miền, giảm thiểu sự chênh lệch. Chúng tôi sẽ không đánh đổi môi trường để xây dựng thêm thủy điện vừa và nhỏ.

Trong quá trình lập hồ sơ để cấp phép cho một thủy điện được xây dựng, tất cả các thủy điện đều có đánh giá tác động môi trường chiến lược. Những thủy điện có ảnh hưởng lớn đến rừng tự nhiên, sạt lở do quá trình mở các đường công vụ, ảnh hưởng đến hạ lưu và hệ thủy sinh, thì sẽ bị loại bỏ, không được cấp phép xây dựng.

Còn đối với các dự án thủy điện có ảnh hưởng không lớn đến rừng tự nhiên, chủ đầu tư thủy điện phải cam kết phục hồi lại cây sinh thái rừng sau khi xây dựng thủy điện mới được cấp phép.

Hiện trường vụ sạt lở Trà Leng vùi lấp 55 người, khiến 9 người chết, 13 người đang mất tích
 

Để cấp phép xây dựng 46 thủy điện đưa vào vận hành, Quảng Nam phải đánh đổi bao nhiêu hecta rừng, thưa ông?.

Tất cả các thủy điện khi xây dựng thì đều làm mất đi một diện tích rừng nhất định.

Tuy nhiên, khi lập hồ sơ cấp phép cho một thủy điện, nhà đầu tư phải cam kết phục hồi lại diện tích rừng bị phá khi xây thủy điện.

Đối với 22 thủy điện đã đưa vào vận hành, đa phần các thủy điện này đã trồng thay thế và phục hồi lại gần đủ diện tích rừng bị phá khi xây dựng.

Huyện Nam Trà My và Phước Sơn chưa có đầu tư xây dựng thủy điện

Với việc vận hành mấy chục thủy điện trên địa bàn, theo ông, việc này có liên quan đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất diễn ra liên tiếp ở một số huyện trong thời gian vừa qua? 

Thực tế khu vực xảy ra sạt lở đất tại huyện Nam Trà My và Phước Sơn chưa đầu tư xây dựng thủy điện.

Tuy nhiên, theo tôi việc đầu tư xây dựng nhiều thủy điện làm cho diện tích rừng tự nhiên bị giảm, điều này sẽ dẫn đến lớp thảm phủ thực vật rừng cũng bị thay đổi và các yếu tố về địa chất thủy văn cũng thay đổi.

Chính phủ đã ban hành quy định vận hành liên hồ chứa, tức là các hồ phải phối hợp với nhau trong quá trình vận hành và việc điều tiết, xả lũ đã được giao cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh điều hành.

Tỉnh đã yêu cầu các thủy điện lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ dọc theo vùng hạ du của thủy điện để thực hiện việc cảnh báo kịp thời cho người dân. Lắp đặt các hệ thống camera trên lòng hồ thủy điện, hệ thống đo mưa để đo lượng nước về hồ rồi trực tiếp về Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

Tại đây, chúng tôi sẽ quan sát toàn bộ diễn biến lượng nước về hồ, mực nước tại các vị trí cần thiết qua đó ra các quyết định điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.

  
 

Trước mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đập thủy điện kiểm tra, duy tu bảo dưỡng hệ thống cảnh báo ở khu vực hạ du. Tổ chức rà soát, ký kết quy chế phối hợp giữa chủ hồ thủy điện với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Tuy nhiên, với đợt thiên tai do bão số 9 và mưa lớn xảy ra từ ngày 27 đến 29/10 đã làm cho mạng viễn thông hoạt động không ổn định, một số khu vực không có mạng nên đã ảnh hưởng đến việc thông tin xả lũ của hồ thủy điện Đăk Mi 4 .

Mặt khác, do lũ về hồ quá lớn và đột ngột trong thời gian ngắn vượt tần suất lũ kiểm tra nên việc thông báo cho vùng hạ du cũng khẩn cấp.

- Chiều 28/10, tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), một vạt núi lở xuống vùi lấp 55 người, khiến 9 người chết, 13 người mất tích, 33 người bị thương.

Hiện các lực lượng địa phương phối hợp với Quân khu 5 đang nỗ lực tìm kiếm 13 người mất tích.

- 15h chiều 28/10, tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) xảy ra một vụ sạt lở vùi chết 8 người.

- Cũng trong ngày 28/10, tại thôn 1 và thôn 3 (xã Phước Lộc, huyện Phước
Sơn) xảy ra 2 vụ núi lở vùi lấp 13 người. Đến nay tìm thấy 9 thi thể, 4 người
còn mất tích.

Kiều Oanh - Lê Bằng
Theo vietnamnet.vn