Petrolimex (PLX) ghi nhận khoản lợi ích thuế TNDN hoãn lại 397 tỷ sau soát xét, lỗ nửa đầu năm đã giảm mạnh xuống còn 692 tỷ đồng - Ảnh 1

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố BCTC bán niên 2020 được kiểm toán. Trong đó, các chỉ tiêu kinh doanh không có sự thay đổi nhiều so với báo cáo tự lập. Doanh thu hợp nhất nửa đầu năm đạt hơn 65.223 tỷ đồng - giảm 29% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về chỉ còn hơn 3.181 tỷ, giảm phân nửa so với nửa đầu năm 2019.

Theo giải trình của Petrolimex, quý đầu năm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu thế giới (WTI) giảm mạnh và liên tục từ 61,18 USD/thùng đầu quí xuống còn 20,48 USD/thùng. Bước sang quý 2/2020, giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh (giá dầu thô thế giới tăng từ 20,31 USD/thùng đầu quí lên 39,27 USD/thùng). Tuy nhiên trước sự bùng phát mạnh của dịch bệnh trong tháng 4 khi cả nước phải cách ly xã hội khiến hoạt động kinh doanh phải chịu tác động về giá dầu cũng như cung – cầu thị trường và sự sụt cầu trong giai đoạn giảm giá cùng sức ép nguồn cung trong giai đoạn tăng giá với thương nhân đầu mối đóng vai trò chủ đạo trên thị trường như Petrolimex.

Trở lại với chỉ số soát xét, báo cáo sau kiểm toán đã điều chỉnh mạnh khoản chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Kết quả, Petrolimex ghi nhận thêm khoản lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 397 tỷ đồng; khoản lỗ sau thuế theo đó giảm đáng kể về chỉ còn lỗ 692,5 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo tự lập ghi nhận mức lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.

Tập đoàn cho biết tại thời điểm soát xét BCTC, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được kiểm soát nên Tập đoàn đánh giá có thể sử dụng lỗ tính thuế kỳ này mang sang các chu kỳ kinh doanh tới nếu có lãi.

Năm 2020, Petrolimex đặt mục tiêu 122.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 1.570 tỷ lãi trước thuế. Sau nửa năm, Tập đoàn đã thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu, tuy nhiên còn cách xa chỉ tiêu lãi đề ra.

Mới đây, Petrolimex đăng ký bán 13 triệu cổ phiếu quỹ, tiếp nối hành động bán lượng lớn cổ phiếu quỹ trước đó nhằm tăng tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float) của cổ phiếu PLX. Bên mua vào là Eneos Corporation - một công ty của Nhật Bản - được thành lập vào tháng 10/1888. Lĩnh vực kinh doanh chính là lọc hóa dầu, xuất nhập khẩu khí đốt, cung cấp điện năng… Đây là tập đoàn đứng đầu thị phần bán lẻ xăng dầu ở Nhật Bản với tỷ trọng 50%, công suất lọc dầu lớn nhất nước với 1,93 triệu thùng/ngày, cung cấp 3,62 triệu tấn Paraxylen mỗi năm tại châu Á.

Tri Túc
Theo Nhịp sống kinh tế