"Các quốc gia trong khu vực cần giải quyết những bất đồng về các vấn đề như an ninh, tài nguyên năng lượng và hàng hải bằng con đường ngoại giao và hòa bình. Căng thẳng quân sự gia tăng không mang lại lợi ích cho ai ngoài những người muốn chứng kiến rạn nứt trong sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói tại chuyến thăm Cộng hòa Cyprus tối 12/9.

Tuyên bố của Pompeo đưa đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh của Mỹ, gia tăng liên quan đến tranh chấp chủ quyền và tài nguyên ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải.

 
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại buổi họp báo cùng Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades ở thủ đô Nicosia, Cyprus,hôm 12/9. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại buổi họp báo cùng Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades ở thủ đô Nicosia, Cyprus,hôm 12/9. Ảnh: Reuters.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hai tàu khảo sát địa chất tới các địa điểm riêng biệt trong khu vực này, dẫn tới làn sóng phản đối gay gắt của cả Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp, khi cho rằng Ankara hoạt động trái phép tại khu vực thềm lục địa hai nước.

Đáp lại, Ankara tuyên bố có chủ quyền hợp pháp tại vùng biển này và tăng cường các cuộc diễn tập quân sự. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt thỏa thuận nào về phân định thềm lục địa, trong khi chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan bác bỏ mọi tuyên bố của Cộng hòa Cyprus, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Ankara.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các hành động hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng hòa Cyprus có quyền khai thác các nguồn tài nguyên của mình, bao gồm quyền với các mỏ khí đốt được tìm thấy trong vùng đặc quyền kinh tế của họ", Pompeo nói trong cuộc gặp Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades.

Vị trí Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Cyprus trên Địa Trung Hải. Ảnh: AFP.
Vị trí Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Cyprus trên Địa Trung Hải. Ảnh: AFP.

Cyprus, hòn đảo phía đông Địa Trung Hải, đã bị chia thành hai phần sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974. Phần phía nam là Cộng hòa Cyprus, một thành viên EU và được quốc tế công nhận, còn vùng phía bắc thuộc quyền quản lý của Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ được Ankara công nhận.

Hồi đầu tháng này, Mỹ thông báo sẽ dỡ lệnh cấm vận kéo dài 33 năm kể từ 1987 đối với Cộng hòa Cyprus và tăng cường hợp tác an ninh với Nicosia. Động thái này đã lập tức vấp phản ứng gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo vnexpress.net