George Kourounis (50 tuổi, Canada) là người đam mê theo đuổi những hiện tượng thời tiết và môi trường khắc nghiệt. Ông thừa nhận nghiện thời tiết, phong cảnh hoang dã và tự gọi mình là "nature junkie" (kẻ say thiên nhiên). Trải qua nhiều năm đi tìm và trải nghiệm những điều "cực kỳ nguy hiểm", hiện gia tài của ông là bộ ảnh - chỉ nhìn thôi cũng thấy rợn tóc gáy vì những trải nghiệm chết người này.
Từ năm 1997, George đã bắt đầu hành trình nguy hiểm của mình bằng những chuyến đi "đuổi bão". Đến nay, ông đã đặt chân tới 75 quốc gia trên 7 lục địa để thực hiệm đam mê của mình.
Năm 2006, George tới Trung Phi để thám hiểm và chụp hình núi lửa Nyiragongo, Cộng hòa Congo. Ông cho hay, riêng con đường tới đó cũng là một thử thách vì cả đội phải đi qua đất nước Rwanda rồi vượt một số khu vực bất ổn ở miền đông Congo.
Chỗ cắm trại ban đêm ở núi lửa Nyiragono, một trong 3 ngọn núi lửa trên thế giới luôn sục sôi hồ nham thạch. George gọi đó là "cảnh tượng ngoạn mục nhất trên hành tinh" khi nhắc tới hồ rộng 300 m chứa đầy nham thạch nóng bỏng liên tục sôi và bắn lên các vách đá xung quanh làm nổi những đợt sóng lớn.
Hình ảnh về cơn bão lốc ở South Dakota, Mỹ vào 24/5/2010. George kể lúc đó ông đang lái xe dẫn đầu một tour "đuổi bão" vì thế quanh ông có rất nhiều người chung đam mê đi cùng. Cơn bão lốc đã bỏ sót nhà thờ nhỏ nằm bên đường và Geogre chớp thời cơ đấy để chụp hình.
George nhắc về điều đáng nhớ nhất đời mình là Darvaza, mỏ khí khổng lồ cháy liên tục ở Turmenistan và ông đã dành kỷ lục thế giới tháng 11/2013 khi là người đầu tiên thám hiểm. Được mệnh danh là Cổng địa ngục, Darvaza sâu 30 m, đường kính 70 m được phát hiện khi các nhà địa chất Liên Xô khoan một túi khí. Khi đó George là người dẫn đầu đoàn thám hiểm của National Geographic, trước đấy đoàn tốn 1,5 năm để xin giấy phép từ địa phương.
George đứng bên trong hồ nham thạch ở Marum, miệng núi lửa nằm trên đảo Ambrym, quần đảo Vanuatu. Năm 2015, ông và đoàn làm phim của mình đã tới đây, mạo hiểm leo xuống một bên miệng núi lửa, nơi có độ sâu có thể dài hơn hơn cả chiều cao của tòa Empire State ở Mỹ.
George chia sẻ, nơi này không phải chỗ cho những người yếu tim vì đường leo dốc, đá rơi liên tục và khí SO2 độc hại tỏa ra từ khắp phía. Bản thân George đã leo xuống Marum 11 lần trong nhiều năm qua.
Bức ảnh ghi lại chuyến đi chinh phục núi lửa Yasur trên đảo Tanna, Vanuatu hồi tháng 7/2017. Hai nhà leo núi Geoff Mackley và Kourounis trông như người tí hon giữa khung cảnh nham thạch phun trào từ miệng núi.
Một bức hình chụp George trong hang Naica Crystal, Mexico, nơi mà ông gọi là "kỳ diệu nhất trên thế giới". Hang được phát hiện từ 20 năm trước do các thợ mỏ khai thác chì và bạc. Naica Crystal nằm ở độ sâu 300 m và chứa rất nhiều pha lê ở hình dạng cột khổng lồ. Cột pha lê lớn nhất có thể dài tới 11 m và nặng 55 tấn. George phải mặc một bộ đồ bảo hộ đặc biệt kèm theo băng lạnh để thám hiểm nơi này vì nhiệt độ bên trong hang có lúc 50 độ C, độ ẩm tới 90%.
George leo lên núi băng trôi ở ngoài khơi Newfoundland, miền đông Canada để đặt một thiết bị định vị vệ tinh. Ông chia sẻ: "Hầu hết núi băng trôi ở bắc Đại Tây Dương đều hình thành từ các dòng sông băng ở Greenland và mất 2 năm thì chúng trôi ra khỏi vùng cực tới gần bờ biển Newfoundland rồi dần tan. Những núi băng trôi khổng lồ này có kích cỡ ngang một tòa chung cư cỡ nhỏ và mỗi lần leo George mất khoảng 2 giờ để di chuyển lên và xuống.
Đứng trên đỉnh Piro (1.908 m), đỉnh cao nhất ở dãy núi Myohyang, miền trung Triều Tiên, George cầm lá cờ của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Canada và chụp hình lưu niệm hành trình năm 2017. George coi Triều Tiên là một bí ẩn và người phương Tây hầu như không biết thực sự nơi đó như thế nào. Mục đích của ông là đem vẻ đẹp tự nhiên của Triều Tiên giới thiệu tới bạn bè thế giới.
Khánh Trần Ảnh: George Kourounis
Theo vnexpress.net