Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát của Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Đô Lương xác định Võ Thị Hương có nhiều biểu hiện nghi vấn vi phạm quy định pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức phường, hụi trên địa bàn. Qua xác minh, cách đây 24 năm (năm 1996), Võ Thị Hương một mình thành lập "phường", cho những người ở trong xã Lưu Sơn và các xã lân cận tham gia, trung bình "phường" thấp nhất là 300.000 đồng, cao nhất là 2 triệu đồng.

Khi mọi người đăng ký chơi "phường", Hương sẽ ghi vào một tờ giấy nháp. Đến tháng đầu tiên mọi người nạp tiền đầy đủ, Hương ghi danh sách chính thức những người tham gia dây "phường" vào sổ để theo dõi. Hàng tháng, người dân sẽ đến trực tiếp tại ki-ốt của Võ Thị Hương ở chợ Sỏi, xã Lưu Sơn để đấu "phường". Ai không đến được thì sẽ nhờ người nào đó đấu hộ hoặc nhờ Hương.

Khi đấu "phường", Hương phát cho mọi người mẩu giấy nhỏ để ghi họ tên và số tiền đấu rồi mở công khai. Người nào đấu cao hơn sẽ trúng "phường", được lấy tiền đầu tiên. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày đấu "phường", Hương có trách nhiệm thu tiền của những người trong dây "phường" đưa cho người trúng. Riêng chủ "phường" như Hương được bốc "phường" suất thứ 3 nguyên suất và hưởng tiền lời các tháng tiếp theo...

Đầu năm 2018, số tiền Hương vay ngân hàng trước đó đến hạn phải trả, đồng thời vào tháng 4/2018 Hương bị kẻ gian lấy trộm số tiền "phường" mà Hương đã bốc các suất cấp chủ, khoảng hơn 200 triệu đồng. Do không có khả năng trả nợ ngân hàng và tiền "phường" bị mất nên Võ Thị Hương đã nghĩ cách tiếp tục thành lập các dây "phường" mới để tìm cách hợp lý hóa để chiếm đoạt tiền của những người tham gia nhằm có tiền trả nợ.

Cán bộ Công an lấy lời khai đối tượng Võ Thị Hương.

Cụ thể, tháng 4/2019, Hương thành lập dây "phường" loại 2 triệu đồng/người/tháng gồm 14 người tham gia, trong đó có 10 người ở cùng xã Lưu Sơn, 1 người ở xã Đà Sơn (tham gia 2 suất phường), người còn lại ở xã Đặng Sơn. Do những người tham gia trong dây không biết nhau và mỗi lần đấu "phường" không có mặt đầy đủ, chỉ khoảng 2-5 người nên Hương đã lừa những người trúng "phường" mà không có mặt rằng họ không trúng. Đối với những người không có nhu cầu đấu "phường" thì Hương thông báo chính Hương đã trúng "phường" để thu tiền của họ về cho mình.

Khi thu tiền "phường", để tránh bị lộ, nếu có người hỏi "ai đấu được "phường"?" thì Hương sẽ bịa ra một cái tên nào đó để nhóm người tham gia tin là vẫn có người đấu trúng.

Với thủ đoạn như trên, Võ Thị Hương đã chiếm đoạt được 10 suất "phường", khoảng hơn 218 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2019 đến tháng 3/2020, Võ Thị Hương cũng đã chiếm đoạt tiền ở nhiều dây "phường" khác nữa, theo thống kê chưa đẩy đủ đã có hơn 100 bị hại ở nhiều xã bị đối tượng chiếm đoạt khoảng 1 tỷ đồng.

Các nạn nhân của Hương có người mất vài triệu, có người mất vài chục triệu, đối với những người dân ở thôn quê là một khoản tiền rất lớn, có khi bằng cả năm gom góp. Do đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hương không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn. Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

A. Quỳnh
Theo Công an nhân dân