Từ nhiều năm trước, Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh đến 3 yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công giảm phát thải trên toàn cầu, trong đó có công nghệ xanh và các công nghệ hiện đại.
Từ góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, GS Laurent El Ghaoui - Hiệu phó phụ trách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của VinUni cho rằng, phát triển bền vững đang góp phần tạo ra được nhiều thành quả cho các nền kinh tế, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, giảm tiêu thụ năng lượng. Công nghệ, trong đó AI có thể đóng góp rất nhiều cho quá trình trên, giúp tối ưu hoá năng lượng và tái chế rác thải, phế thải để tạo ra năng lượng phục vụ cho phương tiện giao thông xanh như xe điện thay vì sử dung xăng dầu, điện than gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự như vậy trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Quá trình chuyển đổi số với sự hỗ trợ của nhiều thiết bị hiện đại như vệ tinh, máy bay không người lái hay công nghệ AI đang giúp các doanh nghiệp tăng hiệu suất, giảm phác thải, giảm tác động đến môi trường.
Những thay đổi này, theo GS Laurent El Ghaoui tuy chỉ là cấp vi mô nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược truyền thông và marketing hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, dù là hành vi nhỏ nhưng thành quả các doanh nghiệp thu được trong ứng phó với biến đổi khí hậu chính là tín chỉ carbon. Điều này tạo ra động lực cho những thay đổi lớn hơn.
Trong kỷ nguyên phát triển bền vững với sự phát triển nhanh và tác động mạnh mẽ của công nghệ, AI thì việc chuyển đổi là không thể tránh được, đòi hỏi các nền kinh tế, doanh nghiệp phải hành động và đầu tư.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh sự phức tạp của ESG, của phát triển bền vững khi giao thoa giữa công nghệ, xã hội và con người, nhất là tại quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Ngoài ra, một số “tác dụng phụ” khi tổ chức, doanh nghiệp phụ thuộc vào quá nhiều vào công nghệ, nhất là AI như chi phí quá lớn bỏ ra phục vụ khách hàng hay công nghệ hiện đại tiêu tốn quá nhiều năng lượng…
Thực trạng trên đòi hỏi mỗi tổ chức, doanh nghiệp phải sử dụng AI một cách thông minh hơn, lựa chọn đầu tư vào công nghệ với chi phí tối ưu hơn - GS Laurent El Ghaoui nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, trong sự phức tạp của vấn đề bền vững, GS Laurent El Ghaoui gợi ý nên tập trung vào những yếu tố, nội dung thực sự nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường. Dù chính quyền của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có tin vào biến đổi khí hậu hay không thì ô nhiễm môi trường tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp.
Nhấn mạnh đến việc cần có các giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường, chuyên gia cho biết thêm, không nhất thiết phải dành quá nhiều chi phí đầu tư cho vấn đề này. Trước mắt, Việt Nam có thể thực hiện theo dõi, giám sát môi trường chặt chẽ, đo lường hiệu quả thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế để phát triển các ý tưởng, sáng kiến cho môi trường và sức khoẻ như phát triển hệ thống giám sát chất lượng môi trường… Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp tổng thể xây dựng hệ sinh thái các ngành công nghệ, năng lượng....
Ở góc nhìn khác, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Bros, Phó Chủ tịch CSMO Việt Nam chia sẻ: Phát triển bền vững không chỉ là những áp lực từ bên ngoài hay việc thay thế giá trị cũ bằng những giá trị mới. Điều quan trọng là phải nhìn nhận bền vững như một tổng thể, bao gồm mối quan hệ giữa con người, môi trường và doanh nghiệp. Sự bền vững thực sự chỉ được xây dựng khi chúng ta tạo dựng những giá trị lâu dài, dựa trên sự hiểu biết và hòa hợp giữa các yếu tố cốt lõi trong cuộc sống, công việc.
Với ý nghĩa như vậy, Cộng đồng sales và marketing vì sự phát triển bền vững đã công bố chương trình hành động của mình với mục tiêu chính là kết nối các doanh nghiệp hướng về sự phát triển bền vững, hỗ trợ nhau thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Từ đó, đặt ra sứ mệnh nâng cao nhận thức, thực hành hoạt động kinh doanh và giải quyết các thách thức trên hành trình phát triển bền vững.
Hạnh Lê