Đó là chia sẻ của ông Đỗ Quang Yên - Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE CMC TS, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Việt Nam cũng đã đưa ra những quy định mang tính nền tảng để đảm bảo cho giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, trong đó có vấn đề chứng thực hợp đồng điện tử. Trong quá trình thực thi Nghị định này, đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (gọi tắt là CeCA: VIETTEL, VNPT, FPT, CMC, VNPAY… ) đã được xác nhận đăng ký để triển khai cung cấp dịch vụ này.

- Trong hành trình chuyển đổi số, ông nhận định ra sao về tầm quan trọng của hợp đồng điện tử?

Là một doanh nghiệp công nghệ chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, trong đó có hợp đồng điện tử, tôi cho rằng hợp đồng điện tử đóng vai trò là “nút thắt cuối cùng” trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi trong công tác quản lý, từ đó giúp tiết giảm chi phí trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tế, tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp, minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ hợp đồng điện tử.

Ảnh chụp màn hình 2024-11-13 214442
Ông Đỗ Quang Yên - Giám đốc Trung tâm Giải pháp C-SUITE CMC TS, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC.

Việc hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn của hợp đồng điện tử sẽ tạo điều kiện để loại hợp đồng này trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Từ đó giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch trên môi trường kinh tế số.

Chắc hẳn, đây là một hành trình không hề dễ dàng và không thể thiếu những thử thách cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thưa ông?

Với kinh nghiệm nghiên cứu và thực thi với rất nhiều doanh nghiệp tại thị trường Việt, chúng tôi ghi nhận những thách thức mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử, như chi phí, thủ tục phức tạp, và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc).

Để khắc phục, sau khảo sát của CMC thì chúng tôi đã tối ưu được 70% chi phí và giúp cho toàn bộ khối khách hàng đó tiếp cận đến thị trường tốt hơn và đưa sản phẩm mới ra thị trường một cách tuyệt vời nhất. Mặt khác, hệ thống C-Contract của CMC TS được thiết kế với các tính năng bảo mật như xác thực thời gian ký, danh tính người ký và tính toàn vẹn của hợp đồng, đảm bảo hợp pháp và an toàn cho các giao dịch trực tuyến. C-Contract đang được 5000 doanh nghiệp và 700,000 cá nhân sử dụng, trong đó có những tập đoàn và doanh nghiệp lớn.

anh-4-1.jpg
Các giải pháp CMC đem đến sẽ hỗ trợ tối ưu chi phí và tối giản nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

- Chuyển đổi số không còn là một hành trình mới mẻ. Do đó, đâu là “vũ khí” mà CMC tự tin đưa ra cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế, thưa ông?

Trung tâm Giải pháp C-SUITE CMC TS, Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và giải pháp CMC đã áp dụng các hệ thống CRM (Quản lý quan hệ khách hàng), ERP (Hoạch định tài nguyên DN), dữ liệu lớn và AI để tối ưu hóa quy trình, tăng cường trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến cho nhiều doanh nghiệp. Điều này hỗ trợ tối ưu chi phí và tối giản nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Hệ thống C-Contract của CMC được thiết kế với các tính năng bảo mật như xác thực thời gian ký, danh tính người ký và tính toàn vẹn của hợp đồng, đảm bảo hợp pháp và an toàn cho các giao dịch trực tuyến.

Đây cũng là những lợi thế cạnh tranh mà chúng tôi tự hào khẳng định sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

- Là một doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành công trong hành trình chuyển đổi số, ông có kiến nghị ra sao đối với cơ quan bộ ngành để ngày càng thúc đẩy hơn nữa “nội lực”, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của doanh nghiệp Việt?

Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba, cũng như tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế số.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển hợp đồng điện tử, đặc biệt là tính bảo mật, để các doanh nghiệp có thể tin dùng. Do đó, cần đầu tư công nghệ và kỹ thuật mới trong hợp đồng điện tử để loại hình này được ứng dụng rộng rãi và thuận tiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Châu