Từ lâu, nói đến Bình Thuận, người ta nghĩ ngay đến vùng đất Mũi Né thanh bình và yên ả quanh năm nhờ bãi biển được lọt vào danh sách những bãi biển đẹp nhất thế giới. Thế nhưng, vùng đất này cũng đã trở nên chật chội với nhiều dự án nghỉ dưỡng được hình thành từ hơn 20 năm về trước. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cùng với nhu cầu tìm kiếm những vùng đất mới để phát triển, Bình Thuận đã triển khai một số quy hoạch nhằm kịp thời bắt nhịp cùng quá trình này.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận năm 2020, lãnh đạo địa phương đã khẳng định rằng: "Kinh tế phát triển sẽ luôn kéo theo bất động sản nhà ở tăng trưởng theo nhờ nhu cầu nhà ở tăng cao. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tỉnh đã và đang hoạch định một kế hoạch dài hơi, trong đó phải đầu tư trước hết cho mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tiếp đến sẽ thực hiện quy hoạch mới phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đạt được mục tiêu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới".

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 2474/QĐ-UBND nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch dải đất dọc bờ biển từ La Gi đến Kê Gà để phát triển du lịch, đồng thời liền kề là diện tích đất ở hỗn hợp. Như vậy, với tổng tỷ lệ đất sử dụng cho du lịch và thổ cư lên đến 70% quỹ đất toàn vùng phía Nam Phan Thiết, chắc chắn trong tương lai nơi đây sẽ hình thành đại đô thị du lịch biển với hàng loạt các tổ hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng đỉnh cao tương tự như cung đường Trần Phú (Nha Trang), đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng).

Đồng thời, sau khi nghiên cứu thủy văn, các tiêu chí về xây dựng, khai thác du lịch, giao thông kết nối, khả năng thu hút vốn của các nhà đầu tư… lãnh đạo tỉnh thống nhất chọn vị trí xây dựng các bến du thuyền tại 19 điểm trên địa bàn có khả năng phục vụ du khách trong và ngoài nước. Theo đó, TP. Phan Thiết sẽ có 7 bến du thuyền, Tuy Phong, Bắc Bình, La Gi có 3 bến ở mỗi huyện, thị, Hàm Thuận Nam có 2 bến, Hàm Tân có 1 bến.

Về hạ tầng giao thông, theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 10 nghìn tỷ. Dự án đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Tỉnh còn kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhằm kết nối, khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Đồng thời kiến nghị Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường ven biển trọng điểm, cấp bách là đường ven biển quốc gia ĐT 719B, đường song song hành ĐT 719, đường ĐT 711 nối thị xã La Gi với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Ở các huyện, thị phía Nam tỉnh Bình Thuận, cơ hội phát triển du lịch rất rõ nét chính nhờ những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này. Chẳng hạn, cuối tháng 10/2020, tuyến đường ĐT 719 đã được khởi công có điểm đầu ngã ba Kê Gà đi Tân Thành - Tân Thuận - Tân Hải - Tân Tiến - Tân Bình - Bình Tân - Tân Thiện -Tân An - La Gi nối dài với quốc lộ 55. Tuyến ĐT 719B được làm mới từ xã Hàm Mỹ đi Tiến Thành - Tiến Lợi - Thuận Quý - La Gi.

Đặc biệt, với định hướng nâng cấp La Gi trở thành "thành phố thứ 2" sau Phan Thiết, Bình Thuận cũng khẩn trương thực hiện 2 tuyến đường kết nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại Hàm Tân và quốc lộ 55 thẳng đến trung tâm thị xã hiện hữu, giúp La Gi hoàn thiện hệ thống liên vùng với TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết…

Không nằm ngoài quy luật của thị trường, hạ tầng đi đến đâu, bất động sản sẽ hưởng lợi đến đó. Từ giữa năm 2018 đến nay, Bình Thuận hút dòng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đổ vào bất động sản. Mở cao tốc, xây sân bay, đặt bến du thuyền… khiến bất động sản toàn thị trường Bình Thuận tăng giá liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ Phan Thiết, Mũi Né, những thị trường mới cũng gia nhập đường đua. Đáng chú ý là khu vực La Gi, với định hướng trở thành trung tâm du lịch - thương mại - dịch vụ - giải trí phía Nam Bình Thuận, bất động sản nơi đây ngày càng khởi sắc.

Nổi lên thu hút đầu tư trong những năm gần đây, BĐS biển La Gi hấp dẫn nhờ vị trí trung tâm của tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam kéo dài từ thành phố Vũng Tàu đến Mũi Né và hưởng lợi từ các dự án hạ tầng lớn như sân bay, cao tốc, đường nội tỉnh… Nhất là khi thị xã này đang phát triển nhanh, mạnh để phấn đấu được nâng cấp lên thành phố thuộc tỉnh Bình Thuận từ nay đến năm 2025.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn thị xã La Gi có khoảng 20 dự án du lịch - nghỉ dưỡng đang triển khai đầu tư và xây dựng. Điển hình như Fusion Alya La Gi, Casalle Hills La Gi, Khu dân cư La Gi Pearl, La Gi Longbeach... và mới đây nhất là dự án Lagi New City quy mô 43,4ha do Tập đoàn Danh Khôi và DKRA Vietnam hợp tác phát triển. Dự án nằm ngay trung tâm thị xã La Gi và sở hữu 1,6km mặt tiền biển. Được biết, Lagi New City được quy hoạch theo mô hình phức hợp đô thị thương mại dịch vụ & du lịch biển với pháp lý sổ đỏ sở hữu lâu dài.

Có thể nói, với sự bứt phá từ hạ tầng và các vùng đất mới bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tại Bình Thuận vượt sóng Covid-19 tạo nên sự quan tâm và sức hút cho nhà đầu tư ngay trong giai đoạn dịch bệnh. Đây cũng là thị trường BĐS được các chuyên gia đánh giá sẽ phục hồi mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.

Theo Nhịp sống kinh tế