Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, cổ phiếu GTN đóng cửa ở mức 23.300đ/cp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, cổ phiếu GTN đóng cửa ở mức 23.300đ/cp

Theo báo cáo tài chính quý 3/2020, GTN đạt doanh thu 780 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp (LNG) tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 250 tỷ đồng nhờ tỷ suất LNG của mảng sữa tăng vọt lên mức 34,6% so với chỉ 19,4% trong quý 3/2019. Theo đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 87 tỷ đồng, tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 33 tỷ đồng so với chỉ 1,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, GTN ghi nhận doanh thu đạt 2.143 tỷ đồng, giảm 5,5% và LNST đạt 175 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Được biết, doanh thu trong quý 3 của GTN chủ yếu là doanh thu từ mảng sữa – Mộc Châu Milk (MCM), mảng này ghi nhận mức tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành. 

Tỷ suất LNG của mảng sữa cải thiện mạnh nhờ Vinamilk đã áp dụng một loạt các biện pháp giúp cho MCM tối ưu chi phí sản xuất, điều chỉnh lại các điều khoản hợp đồng đối với các nhà cung cấp và thay đổi giá bán…  

Trong tháng 8 vừa qua, HĐQT của MCM đã thông qua việc chào bán riêng lẻ 39,2 triệu cổ phiếu cho GTN và Vinamilk. Cụ thể, chào bán cho GTN hơn 29,45 triệu cổ phiếu, chiếm 75,2% tổng số cổ phiếu chào bán, và chào bán cho Vinamilk 9,74 triệu cổ phiếu, chiếm 24,8% tổng số cổ phiếu chào bán, giá phát hành 30.000 đồng/cp. 

Sau khi hoàn tất đợt phát hành, tỷ lệ lợi ích của GTN tại MCM bao gồm cả nắm giữ trực tiếp và gián tiếp thông qua VLC là 51%. Ban lãnh đạo MCM cho biết, số tiền thu được từ đợt phát hành vào khoảng 1.176 tỷ đồng được dùng để phát triển trang trại bò 4.000 con, tăng quy mô đàn bò hiện tại lên 2.000 con và xây dựng một nhà máy chế biến sữa mới.

MCM cũng đã công bố kế hoạch niêm yết trên sàn UPCoM trong thời gian tới, dự kiến việc chuyển sàn sẽ diễn ra trước ngày 30/03/2021. Theo các chuyên gia tài chính, việc niêm yết trên sàn UpCoM và sau đó là HOSE cùng việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần sẽ giúp MCM chủ động hơn trong việc huy động vốn. 

Việc niêm yết của MCM có thể sẽ làm giảm nhu cầu nắm giữ cổ phiếu GTN khi nhà đầu tư có thể chuyển từ việc nắm giữ cổ phiếu GTN sang MCM, nhất là khi doanh thu và lợi nhuận của GTN hiện tại chủ yếu tới từ việc hợp nhất với MCM. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc nhiều vào mức độ thanh khoản của MCM sau khi lên sàn cũng như định giá của cổ phiếu này.

Ông Quách Đức Khánh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu tại MCM sẽ giúp GTN tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi 1.076 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2020, bên cạnh việc tỷ lệ lợi ích tăng lên trên 51% giúp cải thiện LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ. Đồng thời, kế hoạch đầu tư 1.600 tỷ đồng của MCM cho việc nâng cấp trang trại, tăng số lượng đàn bò và xây dựng nhà máy mới sẽ giúp công ty duy trì được mức tăng trưởng doanh thu từ 7-10%/năm trong giai đoạn 2021–2024. 

“Các biện pháp cải thiện hiệu quả hoạt động mà Vinamilk áp dụng đã giúp cho tỷ suất LNG của MCM được cải thiện mạnh và sẽ sớm đạt mức xấp xỉ 40% trong năm 2021”, ông Khánh nhận định.

Bên cạnh đó, GTN đang nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2019, Nghị định thư về xuất khẩu sữa sang Trung Quốc đã được ký kết, trong đó Việt Nam có 5 nhãn hàng sữa được cấp phép xuất khẩu, bao gồm cả Vinamilk và Mộc Châu Milk.

GTN đang nắm bắt cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đây là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ

Tuy nhiên, hạn chế của GTN hiện tại là năng lực sản xuất trong nước còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 80-85% nhu cầu, chính vì vậy các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp này cần tích cực nâng cao năng suất cũng như mở rộng quy mô để đảm bảo nguồn cung. 

Mặt khác, doanh nghiệp sữa Việt Nam nói chung cũng phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng do việc giảm thuế cho sữa ngoại nhập theo chính sách cắt giảm thuế quan của Việt Nam khi thực hiện các cam kết CEPT/AFTA và cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tâm lý “sính ngoại” của người Việt đã tác động tiêu cực đến số lượng tiêu thụ các sản phẩm sữa Việt Nam, làm giảm đáng kể thị phần nội địa của các doanh nghiệp.

Theo phân tích từ Finashark, tốc độ biến động giá cổ phiếu GTN đã được đẩy lên mức cực kỳ cao so với quá khứ biến động của cổ phiếu này. Khả năng giá cổ phiếu GTN sẽ điều chỉnh tiếp về vùng 21.200 VND/cp. Do vậy, các nhà đầu tư có thể quan sát và mở vị thế mua thăm dò nếu giá cổ phiếu GTN về vùng 20.000 VND/cổ phiếu và tạo nền mới tại đây.

 

DIỄM NGỌC
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp