Chiều ngày 23/10, Viện Phát triển Doanh nghiệp -  VCCI phối hợp cùng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Bộ ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế "Du lịch thông minh: hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường".

Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, đổi mới sáng tạo phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu.

Chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh là một quá trình tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. "Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi quốc gia trên thế giới, tác động đến mọi quốc gia trên thế giới, đời sống xã hội do đó yêu cầu chuyển đổi số phát triển du lịch thông minh càng trở nên rõ nét" – ông Nguyễn Lê Phúc khẳng định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã rất chú trọng với nhiều chủ trương, chính sách để tận dụng những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển đất nước nói chung, phát triển du lịch thông minh nói riêng.

Ông Nguyễn Lê Phúc

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017, khẳng định "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước", tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Theo đó, "du lịch thông minh" thông qua đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào du lịch đã trở một trong những công cụ chủ chốt để hiện thực hóa định hướng trên. Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã thích ứng nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trên nhiều phương diện.

Ông Phúc đánh giá, thời gian qua ngành du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số để tạo ra những chuyển biến đột phá. Các doanh nghiệp, địa phương đã tập trung triển khai phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước về du lịch đến các địa phương, doanh nghiệp.

Giao diện ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn của Tổng cục Du lịch.

"Du lịch thông minh" hiện nay là một cấu phần không thể thiếu của "thành phố thông minh" và đang trở thành thành phần chính trong tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia. Mặc dù vậy, công nghệ không phải là yếu tố duy nhất khiến ngành du lịch trở nên "thông minh".

Các nguyên tắc của du lịch thông minh nằm ở việc nâng cao kinh nghiệm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh, song song với việc đảm bảo khía cạnh bền vững của kinh tế-xã hội.

Trên thế giới, du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, trọng tâm được đặt vào việc tối ưu hóa ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này tạo nên những điểm nhấn cho mỗi nước và lợi thế cạnh tranh trong du lịch giữa các nước.

Hiện nay, du lịch thông minh đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thuộc không gian Pháp ngữ, thậm chí có những quốc gia được đánh giá là tiên phong trong xu hướng phát triển mới này như Pháp, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ…

Bà Sarah Ferguson, Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam chia sẻ: "Đây là thời điểm vàng để ngành du lịch toàn cầu và ngành du lịch Việt Nam nói riêng cùng định hướng lại xu hướng và chiến lược phát triển trong tương lai. Chúng ta cần cân nhắc xem lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch nên được tái đầu tư thế nào cho đúng cách và đảm bảo rằng các tác động của du lịch đến môi trường và động vật hoang dã nhận được quan tâm thích đáng. Du lịch thông minh là một trong những giải pháp cho vấn đề này".

Du lịch thông minh góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững thông qua việc kết hợp cơ sở hạ tầng sẵn có với công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm các ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo. Du lịch thông minh không chỉ tập trung nâng cao trải nghiệm của khách du lịch mà còn giúp cải thiện hiệu quả của  công tác quản lý tài nguyên.

Nguyễn Long
Theo Diền đàn doanh nghiệp