Nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi các dự án đầu tư chưa được khơi thông. Ảnh:VA
Nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi các dự án đầu tư chưa được khơi thông. Ảnh:VA

Nửa mừng nửa lo

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho biết, các doanh nghiệp bất động sản hiện đang trải qua cảm giác “vừa mừng vừa lo” bởi nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi, phát triển các dự án đầu tư còn chưa được khơi thông.

Đơn cử như vấn đề giao đất, đấu thầu đấu giá, và tính giá đất vẫn chưa được khơi thông hoàn toàn. Các dự án vướng mắc về cơ chế cũng đặt ra câu hỏi liệu các quy định mới có giải quyết được các dự án đang tồn tại hay chỉ áp dụng cho các dự án mới.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng lo lắng việc phải trả tiền đất hằng năm, như các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không tính được chuỗi chu kỳ kinh doanh, mà chờ tính hằng năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo ông Đính, cho tới khi có những tác động trên thực tế, những vướng mắc pháp lý vẫn là rào cản lớn, khiến “sức khỏe” của các doanh nghiệp bất động sản yếu đi.

Hiện cả nước có trên 1.000 dự án bất động sản đang “nằm im", không thể triển khai. Một phần nguyên nhân là họ đang chờ đợi các bộ luật được áp dụng trong thực tiễn.

Trong nửa đầu năm 2024 ghi nhận hơn 27.300 sản phẩm bất động sản mới mở bán, tương đương với khoảng 15% so với năm 2018 – 2019, chủ yếu là các dự án đã phê duyệt từ khá lâu. Trong khi đó, lượng giao dịch đạt 22.400 sản phẩm, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2018 - 2019.

Có thể thấy, thể chế vẫn là “rào cản” rất lớn đối với thị trường địa ốc và các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, pháp lý đang chiếm tới 80% vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay.

Chính vì vậy, ông Đính cho rằng cả thị trường và các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đang chờ các vướng mắc này được khơi thông. Đây được xem là thời điểm quan trọng đánh dấu mốc cho sự phát triển mới của thị trường.

Kỳ vọng khơi thông thị trường

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường, phát triển các phân khúc nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản.

Ngoài gỡ vướng cho các dự án nhà ở thương mại, ba bộ luật mới cũng được kỳ vọng sẽ tăng thêm động lực cho phân khúc nhà ở xã hội đang được quan tâm, điển hình như gỡ vướng quỹ đất, thêm ưu đãi cho chủ đầu tư, hay mở rộng đối tượng và giải pháp tiếp cận phân khúc này.

hi ba luật chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Ảnh:VA
hi ba luật chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Ảnh:VA

Khi ba luật chính thức có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường bất động sản. Ảnh:VA

Bộ Xây dựng thông tin, theo số liệu từ các địa phương, đã có 108 dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành trong năm 2024, cung ứng 47.532 căn nhà. Trong đó, tỉnh Bình Dương dẫn đầu khi đăng ký hoàn thành 20 dự án với nguồn cung 4.500 căn; Hải Phòng đăng ký hoàn thành 3.925 căn; TP.HCM đăng ký hoàn thành 6 dự án với 3.765 căn…

Một trong những "đáp án" khác để giải bài toán về nhà ở đó là chung cư cũ. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, số lượng chung cư cũ được xây mới trên cả nước là rất thấp. Do đó, khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực kể từ 1/8 tới được kì vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ này.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng được các chuyên gia cho rằng sẽ giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối trên thị trường. Điển hình như thực trạng kê hai giá từ lâu đã là vấn nạn khiến Nhà nước bị thất thu một khoản ngân sách lớn.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản còn hướng đến công khai loạt thông tin về thị trường trước khi đưa vào kinh doanh để khách hàng biết, nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Đồng thời, luật này cũng quy định chủ đầu tư dự án chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán bất động sản hình thành trong tương lai.

Đây được đánh giá là quy định chặt chẽ, giúp người dân bớt rủi ro khi mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, có ý nghĩa thiết thực với phân khúc nhà ở thương mại.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group chia sẻ, Luật Đất đai sớm có hiệu lực được xem là vấn đề then chốt tạo sức bật giúp thị trường bất động sản phục hồi, nhất là vướng mắc về chính sách đất đai.

Theo ông, đây vẫn được xem là bộ luật trung tâm, có sức ảnh hưởng sâu rộng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. Do đó việc áp dụng sớm sẽ tạo tiền đề vững chắc cho các bộ luật còn lại phát huy tối đa hiệu quả.

VI ANH