Alpine Ibex vốn là loài động vật ăn cỏ giống dê núi, sống ở các đỉnh cao nhất của dãy Alps ở châu Âu. Chúng sử dụng móng guốc gống như chiếc gọng kìm, cộng thêm sự nhanh nhẹn khéo léo để chinh phục những vách đá dốc nhất. Cũng nhờ điều này còn giúp chúng tránh được hầu hết những loài động vật săn mồi.
Tuy vậy, khả năng leo lên vách đá gần như dựng đứng của dê Alpine Ibex mới là điều khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục.
Chúng được coi là "bậc thầy" lão luyện trong việc chinh phục vách cao, dốc gần 90 độ
Khi theo dõi các video, bạn dễ dàng hiểu được tại sao hàng triệu người trên thế giới cũng bị mê hoặc như thế.
Vào mùa xuân và hè, những con dê Alpine Ibex sống ở nơi nhiều cỏ hoặc vùng có cây lá kim. Trước khi mùa đông khắc nghiệt ập tới, chúng phải tranh thủ tích mỡ rồi trốn vào những dãy núi Alps để tránh rét.
Nhờ sở hữu bộ móng guốc đặc biệt giúp chúng giữ thăng bằng và leo cao
Cũng giống như nhiều động vật ăn cỏ khác, loài dê này thiếu muối và khoáng chất cần thiết bởi chúng không có trong cỏ cây ăn hàng ngày. Nhu cầu muối càng cao, buộc chúng phải tự tìm kiếm.
Và nguồn muối quý giá trong tự nhiên nằm chính ở những bức vách đập. Dù con đập cao tới 50 m và vách dựng đứng nhưng không làm khó đàn dê Alpine Ibex.
Chúng được ví như "nghệ sỹ" leo núi bậc thầy khi leo lên cao thoăn thoắt nhờ đệm chân như cao su và móng guốc chẻ giúp giữ thăng bằng. Nhờ đó, chúng được tận hưởng số muối khoáng quý nằm trên vách đập.
Đoạn video thu hút cả triệu view ghi cảnh đàn dê đứng lưng chênh vênh trên vách đập như "lơ lửng" trên không khiến người xem thót tim.
Tận hưởng nguồn muối khoáng quý giá chứa nhiều Canxi trên vách đập
Điều thú vị là, dù được ca ngợi về khả năng leo dốc tài tình, nhưng không phải con dê Alpine Ibex nào cũng nhanh nhẹn khéo léo như vậy. Thông thường, con đực không mấy khi xuất hiện trên vách đá. Do chúng có khối lượng cơ thể lớn (lên tới 100 kg), lại có cặp sừng cồng kềnh nên khó cân bằng. Người ta chỉ thường thấy những con cái và con non xuất hiện nhiều nhất trên vách đập.
Hình ảnh khiến người xem thấy "toát mồ hôi"
Vào thế kỷ 19, do bị săn bắt quá mức để lấy thịt và cặp sừng để chữa bệnh nên dê Alpine Ibex giảm số lượng nhanh chóng, chỉ còn khoảng 100 cá thể ở phía tây dãy Alps.
May mắn thay, nhờ những nỗ lực bảo tồn và việc thành lập vườn quốc gia Gran Paradiso giúp loài dê này quay trở lại khu vực, sinh sôi và phát triển. Đến nay, trên dải dãy Alps có khoảng 50.000 cá thể.
Quốc Việt (Ngồn Odd/ BBC/ National Geographic)
Theo Dân trí