Sự kiện do Hội Khách sạn Đà Nẵng phối hợp với các đối tác du lịch trong và ngoài nước tổ chức.
Đà Nẵng hiện là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với hệ thống cơ sở lưu trú phong phú. Theo thống kê, toàn thành phố có 1.281 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 46.256 phòng, trong đó: Cơ sở lưu trú 4-5 sao và tương đương có 110 cơ sở với 21.293 phòng; Cơ sở lưu trú 3 sao và tương đương có 101 cơ sở với 6.672 phòng; Cơ sở lưu trú 2 sao trở xuống có 1.077 cơ sở với 18.291 phòng.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng, nhận định:“Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành du lịch trong nước và thế giới, hội thảo sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh, từ số liệu thống kê cụ thể từ thị trường du lịch, đến các kế hoạch quảng bá từ Sở Du lịch và những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong ngành du lịch, quản lý khách sạn. Hội thảo sẽ mang tính chất hai chiều, khi thông tin được diễn giả uy tín chia sẻ, đồng thời những câu hỏi, vướng mắc đã được đặt ra và thảo luận từ Lãnh đạo, cán bộ quản lý khách sạn tại Đà Nẵng. Đây là nền tảng để các lãnh đạo, quản lý khách sạn tại Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, gia tăng sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của ngành du lịch thành phố trong tương lai” - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Nói về kế hoạch và chiến lược du lịch Đà Nẵng 2025, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Sở Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ, năm 2024, du lịch tại thành phố này đã tăng trưởng về lượt khách và doanh thu; đạt được nhiều giải thưởng và tiếp tục củng cố thương hiệu điểm đến. Thành phố Đà Nẵng cũng hình thành thêm các sản phẩm, lễ hội độc đáo đặc sắc. Môi trường an ninh an toàn được giữ vững. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá có sự thay đổi độc đáo, đa dạng.
Trong năm mới, các chiến lược trọng tâm để thu hút khách du lịch bao gồm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Sau cùng, thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và giải trí.
Bà Hằng cũng cho rằng các khách sạn của thành phố cần phải có chiến lược phát triển rõ ràng và đồng bộ. Các doanh nghiệp cần phải chú trọng và đặc biệt nâng cao nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường quốc tế và thu hút khách du lịch cao cấp…..
Bà Lã Thị Hải Hà - Quản lý Vùng cấp cao của Agoda lại có cái nhìn thực tế: Việt Nam là quốc gia được du khách Hàn Quốc tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian gần đây nhờ vị trí địa lý gần gũi, giá vé máy bay hợp lý và các trải nghiệm du lịch phong phú. Đà Nẵng, với danh hiệu "thành phố đáng sống nhất Việt Nam", thu hút lượng lớn khách Hàn nhờ các bãi biển tuyệt đẹp, ẩm thực đa dạng và hệ thống khách sạn sang trọng.
Đáng chú ý, khoảng 80% du khách Hàn Quốc khi đến Đà Nẵng lựa chọn lưu trú tại các khách sạn 4-5 sao. Trong thời gian gần đây, xu hướng lựa chọn khách sạn 3 sao cũng đang gia tăng. Theo dự báo, trong 6 tháng tới, du khách Hàn Quốc vẫn sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng hình thành thêm các sản phẩm, lễ hội độc đáo đặc sắc. Môi trường an ninh an toàn được giữ vững. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá có sự thay đổi độc đáo, đa dạng.
Trong năm tới, các chiến lược trọng tâm để thu hút khách du lịch bao gồm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Sau cùng, thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và giải trí.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, những nỗ lực đề duy trì ổn định, tìm ra các giải pháp phát triển, thu hút du lịch gần đây, là cực kỳ cần thiết. Xu thế du lịch thế giới, trong khu vực, và chính từ thực tế nội địa, đang đòi hỏi phải có những khác biệt về cách tổ chức, điều hành cùng đầu tư chi phí của ngành du lịch phải sát sườn, cụ thể nhu cầu du khách hơn. Mà trong đó, lưu trú với các điều kiện ngày càng chặt chẽ hơn, phải được đầu tư nghiêm túc.
Đơn giản trước đây, việc một đơn vị lữ hành chọn điểm dừng lưu trú cho du khách ban đêm, có thể chỉ xét đến địa điểm khách sạn có chất lượng dịch vụ ra sao. Nhưng đến nay, yêu cầu đó phải mở rộng ra cả khung cảnh bao quanh khách sạn đó thế nào, có những dịch vụ bổ sung hay không, rồi cuộc sống cư dân khu vực đó, có an toàn an ninh, có đảm bảo tìm được những điểm hấp dẫn về văn hóa, sinh hoạt giúp du khách tăng thêm cảm xúc trải nghiệm.
“Du khách giờ đây đâu chỉ có đi chơi, tham quan nhìn ngó, thưởng thức món ăn rồi về ngủ. Họ cần nhiều nhu cầu hơn, kể cả không khí hít thở cho một cuộc tản bộ lúc đêm về. Do đó, không gian các điểm lưu trú không thể khô cứng nữa và phải có sự hòa hợp, hiện diện của thiên nhiên” - ông Dũng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Hội thảo “Giải pháp và chiến lược cho ngành khách sạn” đã khẳng định vai trò của Hội Khách sạn Đà Nẵng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, góp phần nâng cao chất lượng ngành du lịch và vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ du lịch quốc tế. Hội thảo không chỉ mang lại những góc nhìn chiến lược và kinh nghiệm thực tiễn mà còn tạo cơ hội để các lãnh đạo trong ngành kết nối, trao đổi và xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Tiến Dũng