Bước chân đến đầu xã Yên Sở, chỉ cần hỏi về giếng cổ là người dân trong làng ai cũng có thể chỉ rõ vị trí của từng giếng. Nhưng chỉ có một điều, không ai biết chính xác là giếng có từ khi nào và tại sao làng lại có nhiều giếng như vậy.

Đình không xà, 73 giếng cổ

Từ bao đời nay, người dân làng Yên Sở vẫn tự hào về câu nói: "Đình không xà, làng 73 cái giếng". Bởi, từ thời xa xưa, ở vùng quê này có ngôi đình thờ thành hoàng làng, rộng hơn 500m2, các cột đình dựng rất lớn, 2 người ôm không xuể.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là gần 50 cột ấy đều không có mối đục của các xà đấu lại với nhau. Các cột dựng đứng, mái gác lên trên đỉnh cột. Nhưng đến năm 1947, ngôi đình đã bị thực dân Pháp đốt phá, đến nay không còn nữa.

Giếng cổ gần sát nhà người dân ở thôn 2, xã Yên Sở.

Tuy không còn mái đình, nhưng làng vẫn gìn giữ được những chiếc giếng cổ. 73 chiếc giếng nằm rải rác khắp ngôi làng. Các giếng này đều được làm rất công phu, có cấu tạo khá giống nhau. Giếng sâu từ 4 - 5m, đường kính khoảng 1,6m.

Điều kì lạ là giếng được xếp hoàn toàn bằng những phiến đá to, không có hồ hay vôi vữa để kết dính nhưng rất vững chắc.

Người dân trong làng hay gọi những chiếc giếng cổ là "giếng đá".

"Mỗi năm, người dân trong làng thường thay nhau tát cạn nước để thau rửa giếng. Chỉ chỉ cần vịn chân, tay vào vách đá để leo xuống đáy giếng và leo lên một cách dễ dàng", ông Nguyễn Chí Hoành, một cao niên trong làng đồng thời là người trông coi giếng Vang (thôn 1, xã Yên Sở) cho biết.

Ông Hoành giới thiệu về chiếc giếng Vang cổ đặt ở thôn 1, xã Yên Sở.

Người dân cho biết, dưới đáy giếng còn có 1 tấm gỗ lim dày, dù trải qua thời gian nhưng vẫn không bị mục nát, hư hỏng. Ở giữa tấm gỗ khoét 1 lỗ có kích thức bằng bát ăn cơm.

Ông Hoành phỏng đoán: "Có thể là từ những phiến gỗ lim này, người xưa đã xếp các phiến đá lên theo hình tròn để tạo thành chiếc giếng".

Hiện nay, hai xã Yên Sở và Đắc Sở còn tồn tại 31 chiếc giếng cổ, trong đó riêng xã Yên Sở là 26 cái, được người dân trong làng gọi với nhiều cái tên: Giếng ngõ Lấp, giếng Điếm Đoàn, giếng ngõ Tre, giếng Vang, giếng ngõ cụ Phó Đạt, giếng ngõ chùa Tư….

Giai thoại về giếng cổ

Tương truyền rằng, 73 giếng cổ được xây từ thời ngoại xâm phương Bắc đến chiếm đóng. Còn về mục đích ra đời của 73 cái giếng, người dân trong làng đưa ra rất nhiều giả thuyết.

Giếng cổ giữa đường làng ở thôn 2, xã Yên Sở.

Giếng cổ ở đầu làng (thôn Hạ, xã Đắc Sở) được người dân xây tường rào chắn cẩn thận.

Các bậc cao niên trong làng cho biết, có giả thuyết cho rằng giếng cổ được xây dựng để quân xâm lược phương Bắc lấy nước sạch ăn. Có giả thuyết lại cho rằng giếng được đào để người Trung Quốc giấu vàng. Hay giả thuyết, giếng cổ được quân xâm lược phương Bắc xây dựng để cắt đứt long mạch.

Không biết giếng được "sinh ra" với mục đích gì, nhưng suốt bao đời, người dân nơi đây vẫn dùng nước giếng để ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, bởi nước giếng trong vắt, luôn đầy ắp.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong 73 giếng cổ cũng đã có một số cái bị lấp đi. Hiện tại, các giếng được xây dựng bê tông, bờ rào chắc chắn để tránh sụt lún và đuối nước.

Điều đặc biệt, cạnh mỗi chiếc giếng đều có miếu thờ thần linh, thổ địa. Nhưng khi được hỏi những miếu này được lập nên từ bao giờ thì người dân nơi đây không ai biết.

Người dân cho biết, lúc họ sinh ra thì đã có giếng và miếu thờ kề bên.

Chiếc giếng cổ ngay cạnh nhà bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 2 Yên Sở), nên hàng ngày bà trông nom, quét dọn: "Giếng này có tên là "giếng Điếm Đoàn". Ngày rằm, mùng 1 người dân vẫn thường xuyên đến thắp hương. Một năm xóm tôi còn làm lễ to vào ngày 15/11 (âm lịch) và ngày 14/4 (âm lịch)".

Người dân đã gắn những chiếc lồng, nắp tròn nan sắt để phòng đuối nước.

Các giếng cổ hiện vẫn được người dân sử dụng để ăn uống, sinh hoạt. Nhiều hộ ở xa giếng còn gắn ống và dùng máy bơm đưa nước về nhà, còn gia đình nào ở gần vẫn dùng gầu để múc nước lên sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Chắt (thôn 1, Yên Sở) cho biết: "Ở thôn 1, giếng Vang là giếng to nhất, ngày xưa người dân thổi xôi, dã bánh dày đều lấy nước ở đây về vo gạo, nước giếng ngon. Hiện xóm tôi có 60 gia đình tôn thờ ở miếu này, cùng góp tiền để xây lại miếu năm 2015".

Theo người dân, có những ngày trời mưa, nước mạch ngang chảy vào thì nước giếng hơi đục hoặc có mùi thối nhưng chỉ 1, 2 ngày là trong trở lại. Mùa đông nước rất ấm, mùa hè thì mát rượi.

 

Hà Hiền
Theo Dân trí